Thay đổi tư duy tiếp cận văn hoá, du lịch

Minh Quân 30/06/2021 06:37

Nhằm định hướng, góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, ngày 29/6, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị trực tuyến tại Hà Nội và điểm cầu tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Du lịch cộng đồng đang là xu hướng được các địa phương đầu tư phát triển. Ảnh: Minh Thuận.

10 chỉ tiêu, 7 nhiệm vụ

Với Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 có 10 chỉ tiêu để thực hiện. Cụ thể, 100% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% đơn vị hành chính cấp xã có Nhà văn hóa. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bảo tàng, thư viện cấp tỉnh.

Có ít nhất 5 di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. 95% - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65%-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 65 - 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị. 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Tập trung ưu tiên xây dựng các đề án, dự án và triển khai thực hiện bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người.

Có 8 đến 10 giải thưởng Văn học ASEAN; 15-20 tác phẩm văn xuôi, thơ ca xứng tầm với lịch sử hào hùng và công cuộc đổi mới của đất nước. Hàng năm có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng. Sản xuất 55-60 phim truyện/năm; 35-40 phim hoạt hình/năm; 45-50 phim tài liệu, phim khoa học/năm. Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Còn với Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh việc phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, Bộ VHTTDL sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ VHTTDL đề xuất triển khai kịp thời các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch tại các khu du lịch quốc gia, khu vực động lực phát triển du lịch; đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch công nghiệp, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch về đêm, du lịch thể thao; khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh...

Triển khai đồng bộ

Với các chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra, tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định mục tiêu hướng đến của chiến lược và chương trình là từng bước xây dựng văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Ảnh: Minh Thuận.

Tuy nhiên, để triển khai một cách đồng bộ với Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Nên đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm sẽ tạo ra môi trường văn hóa tốt, đời sống văn hóa tốt sẽ góp phần xoay chuyển tình thế. Ở đó, quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa...

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng, đầu tư văn hóa chưa đúng mức, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn…

Do đó, chiến lược cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa; tiếp tục hoàn thiện cơ chế cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý văn hóa theo hướng tinh giảm, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Còn lĩnh vực du lịch, trong thời gian qua Covid-19 đã khiến du lịch nước ta và thế giới gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, theo nhiều đại biều, điều này đặt ra cho việc xây dựng Chương trình hành động phải đảm bảo vượt khó và phát triển trong tương lai lâu dài. Do đó, để triển khai chương trình cần có sự thay đổi trong cách tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để đi bằng hai chân, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình; không lựa chọn tỷ lệ lượt khách đến mà tính toán khả năng chi tiêu của khách khi đến, đóng góp cho phát triển kinh tế...

Nhìn nhận về dự thảo Chương trình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng đánh giá cao nội dung cũng như tính khả thi với những kế hoạch chi tiết, lí luận, thực tiễn đầy đủ. Ông Bình kỳ vọng, nếu triển khai đầy đủ, thành công tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này thì trong 5 năm tới, du lịch của nước ta sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng của những năm trước, là ngành kinh tế mũi nhọn như đã mong ước.

Minh Quân