Không lãng phí nguồn tuyển
Sở GDĐT Hà Nội đã chính thức thông báo điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập và THPT chuyên trên địa bàn. Theo đó, có khoảng 24.000 thí sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập sẽ phải lựa chọn học trường tư, hoặc học nghề.
Nhiều lối rẽ
Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học 2021-2022, có 69.000 học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, tương đương 62% số học sinh dự tuyển. Như vậy, còn khoảng 24.000 học sinh không đỗ vào các trường công lập sẽ phải lựa chọn các cơ hội khác như vào học các trường ngoài công lập; giáo dục thường xuyên; các trường nghề.
Đây là năm đầu tiên, các trường ngoài công lập ở Hà Nội được sử dụng đồng thời cả hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập và xét học bạ cấp THCS.
Ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Hà Nội thông tin, trên địa bàn Hà Nội có nhiều loại hình trường, gồm 228 trường THPT công lập, ngoài công lập; 29 trung tâm giáo dục thường xuyên và 44 trường trung cấp chuyên nghiệp, bảo đảm cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục được học tập lên cấp THPT.
Trừ các trường công lập áp dụng quy định về khu vực tuyển sinh, các loại hình trường còn lại đều tuyển học sinh toàn thành phố và không yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Căn cứ vào điều kiện, năng lực và nguyện vọng, các em có thể đăng ký dự tuyển vào loại hình trường phù hợp và cần chú ý đến phương thức, thời gian nhận hồ sơ để không lỡ cơ hội trúng tuyển tốt nhất.
Với chỉ tiêu của các mô hình học tập nói trên, lãnh đạo Sở GDĐT khẳng định sẽ không thiếu chỗ học, học sinh có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác như: Học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, phụ huynh không nên có suy nghĩ rằng việc học trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường nghề sau khi học lớp 9 là không đủ năng lực vào THPT mà cần xem đây là việc chúng ta có thêm quyền chọn lựa. Thậm chí, lựa chọn này tốt hơn vì đó là cơ hội để thử thách năng lực ở một môi trường phù hợp.
Thay đổi nhận thức từ phụ huynh
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ rằng khi tư vấn cho phụ huynh cũng như học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cô đã phân tích rất rõ cũng như đưa ra các minh chứng để khẳng định vào công lập không phải là con đường duy nhất để theo học bậc THPT. Các trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp nghề cũng có thể đáp ứng nhu cầu này. Chỉ cần học sinh lựa chọn mô hình phù hợp với năng lực, định hướng tương lai và điều kiện kinh tế của gia đình.
“Các em đã đủ 15 tuổi, các em nên có hành động, có trách nhiệm trong lựa chọn việc học cho tương lai của bản thân”- cô giáo này cho hay và sau những buổi trò chuyện thẳng thắn, thân tình của cô và trò, cô và phụ huynh, nhiều học sinh đã lựa chọn được lối rẽ sau tốt nghiệp THCS. Có nhiều học sinh đã thành công với lựa chọn của mình và hàng năm vẫn liên hệ với cô giáo từng định hướng cho các em để xin lời khuyên, sự tư vấn hay đơn giản là chia sẻ suy nghĩ với người thầy, người cô đã từng dẫn dắt mình suốt những năm học THCS quan trọng.
Những năm gần đây, cuộc cạnh tranh vào lớp 10 trường THPT công lập tại Hà Nội đều căng thẳng và chỉ có khoảng hơn 60% học sinh THCS có cơ hội vào học lớp 10 công lập. Những học sinh không đỗ hoặc không muốn học trường THPT công lập có nhiều con đường học tập sau THCS để rẽ lối. Trong đó, với tâm lý các em vẫn còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên nhiều bậc phụ huynh vẫn mong muốn tìm trường để các em tiếp tục học văn hóa và tìm kiếm cơ hội ở các bậc học tiếp theo, có thể là cao đẳng hoặc đại học sau khi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, có một hướng đi mà phụ huynh và thí sinh có thể cân nhắc hiện nay, đó là mô hình 9+. Trong những năm qua, hầu hết các trường trung cấp và hàng loạt trường CĐ đã đào tạo mô hình 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Đây cũng chính là định hướng phân luồng của Chính phủ với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Ông Vũ Xuân Hùng- Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, học sinh có rất nhiều lợi thế khi chọn học chương trình này, vì ngành nghề học đa dạng, phong phú và trong cùng một thời gian học tập, các em vừa có trình độ văn hóa THPT để có thể học liên thông lên trình độ cao hơn, vừa có trình độ kỹ năng nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động.
Bên cạnh đó, theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí ở giai đoạn học trung cấp. Như vậy, trong khoảng 3,5 năm các em lấy được 2 bằng để tham gia thị trường lao động và có một nghề nghiệp, thu nhập ổn định từ rất sớm, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí học tập. Theo quy định, các em hoàn toàn có thể liên thông lên các trình độ cao hơn ở trong và ngoài nước.
Thay đổi nhận thức từ phía phụ huynh, thí sinh và chính bản thân các trường cao đẳng, trung cấp nghề… cũng phải chủ động giới thiệu đến người học và xã hội về lợi thế của trường mình, từ đó thu hút thí sinh, tránh lãng phí nguồn tuyển.
Tuyển thẳng 21 học sinh F0, F1
Sở GDĐT Hà Nội vừa có quyết định về việc công nhận 21 học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 (đợt 2).
Đây là những học sinh thuộc diện F0 và F1 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có 1 học sinh diện F0, 20 học sinh diện F1. Hầu hết các học sinh này đều học tại các trường THCS khu vực huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thường Tín...
Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu những học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng hoàn thành thủ tục nhập học tại trường THPT đăng ký tuyển thẳng theo đúng thời gian quy định của Sở là từ ngày 9/7 đến hết ngày 12/7/2021.
Trước đó, đầu tháng 6, Sở GDĐT Hà Nội đã công nhận trúng tuyển cho 412 học sinh thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, gồm các học sinh diện khuyết tật, học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, thi khoa học kỹ thuật, học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn nghệ, thể dục thể thao và học sinh là người dân tộc ít người.
Dung Hòa