Nhiều chính sách có hiệu lực trong tháng 7
Từ ngày 1/7/2021, nhiều chính sách, văn bản mới có liên quan đến đời sống dân sinh như chính sách ưu đãi với người có công; chính sách về bảo hiểm y tế; thu hồi, không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Không phân biệt điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Luật gồm 07 chương, 38 điều, là đạo luật rất quan trọng, có tính đổi mới trong công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung; thể hiện được định hướng rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Khi thực hiện quản lý cư trú bằng phương thức mới hiện đại hơn sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú và giấy tờ của công dân… Đồng thời Luật cũng góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú.
Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công
Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020 về ưu đãi người có công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005.
Theo Pháp lệnh này, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là một chế độ mới mà trước đây chưa quy định cho các đối tượng người có công này.
Với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mức trợ cấp hằng tháng cũng được tăng từ ngày 1/7/2021, cụ thể là bằng 3 lần mức chuẩn (tức 4.872.000 đồng/tháng), thay vì 1 lần mức chuẩn như quy định trước đây. Riêng với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống, sẽ được hưởngvề bảo hiểm y tế (BHYT).
Áp dụng một số chính sách mới về bảo hiểm y tế
Từ ngày 1/7/2021 nhiều văn bản, quy định có hiệu lực liên quan đến bảo hiểm y tế. Cụ thể như: Luật Cư trú 2020 thay đổi khái niệm “hộ gia đình tham gia BHYT”. Theo đó, hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú (trước đây là toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú). Nghị định 20 của Chính phủ bổ sung một số trường hợp được cấp thẻ BHYT miễn phí, như: Người đơn thân nghèo đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc con từ 16 đến 22 tuổi nhưng đang ăn học; người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng…Cùng với đó Thông tư 04 của Bộ Y tế quy định việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất.
Thu hồi CMND cũ khi làm căn cước công dân gắn chip
Từ ngày 1/7/2021, theo các Thông tư 59/2021/TT-BCA và Thông tư 60/2021/TT-BCA của Bộ Công an về quy trình, thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip, mọi CMND cũ (9 số, 12 số) sẽ được thu hồi khi người dân làm thủ tục đổi sang căn cước công dân gắn chip. Bên cạnh đó, mã QR trên thẻ Căn cước công dân chứa thông tin về số CMND cũ của người dân. Do đó, người dân không cần phải xin Giấy xác nhận số CMND và cung cấp khi làm các thủ tục, giao dịch sử dụng số CMND cũ như trước đây, trừ trường hợp mã QR không có thông tin về số Chứng minh nhân dân.
Người dân cũng sẽ được làm căn cước công dân ở nơi tạm trú ngày 1/7/2021, thay vì phải về nơi thường trú như trước đây và không còn phải điền thông tin trên Tờ khai căn cước công dân như trước, mà cán bộ làm thủ tục sẽ tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó in phiếu cho người dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên…