Nắng nóng bất thường ‘bủa vây’ Tây Mỹ
Khu vực Canada và miền Tây nước Mỹ đang chứng kiến những ngày nắng nóng kỷ lục khiến nhiều người tử vong và hàng loạt hoạt động bị tạm dừng. Theo các nhà khoa học, đây là đợt nắng nóng thực sự cực đoan và nó sẽ còn kéo dài trong tuần.
Mức nắng nóng kỷ lục
Ngày 30/6, Chính quyền khu vực Vancouver, Canada, vừa xác nhận ít nhất 69 người đã tử vong trong 2 ngày qua do nắng nóng. Đây cũng là con số thiệt hại về người cao nhất do đợt nắng nóng đang quét qua khu vực miền Tây Canada và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong một thông cáo, cảnh sát Canada cho biết, đa số các nạn nhân là người cao tuổi. Canada đã trải qua nhiều ngày nhiệt độ luôn ở mức cao trên 30 độ C, cao hơn mức trung bình 21 độ C hàng năm. Mức nhiệt kỷ lục lên tới 47,9 độ C cũng đã được ghi nhận hôm 28/6 vừa qua tại làng Lytton, Đông Bắc Vancouver. Nhiệt độ ghi nhận được ở Lytton hôm 27/6 đạt xấp xỉ 46 độ C, theo cơ quan môi trường Canada. Mức nhiệt cao nhất từng báo cáo ở Canada là 45 độ C, được ghi nhận ở hai thị trấn Yellow Grass và Midale, thuộc tỉnh bang Saskatchewan vào ngày 5/7/1937. Nhiệt độ ở Lytton chỉ thấp hơn một độ so với mức kỷ lục được ghi nhận ở thành phố Las Vegas, Mỹ. Tại Vancouver, nhiều cư dân đổ xô tới công viên, bãi biển và hồ bơi để tránh nóng khi nhiệt độ lên tới gần 32 độ C, mức kỷ lục ở một thành phố ven biển thường có khí hậu ôn hòa.
Đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến nhu cầu sử dụng quạt và điều hòa, cũng như lượng điện sử dụng ở Canada tăng vọt cuối tuần qua. Bên cạnh đó, cơ quan môi trường cảnh báo nắng nóng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mạn tính.
Theo Bộ Môi trường Canada, đợt nóng lịch sử và nguy hiểm này sẽ kéo dài trong tuần, với mức nhiệt cao hơn từ 10- 15 độ C so với thông thường.
Ông Zeke Hausfather, nhà khoa học tại tổ chức phi lợi nhuận về dữ liệu khí hậu Berkeley Earth, cho biết khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã ấm lên khoảng 1,7 độ C trong nửa thế kỷ qua. Điều đó đồng nghĩa đợt nắng nóng hiện nay ấm hơn khoảng 1,7 độ so với trước đây và sự khác biệt là đáng kể, đặc biệt là đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương. “Kể cả không có biến đổi khí hậu, đây vẫn sẽ là một đợt nắng nóng thực sự cực đoan. Điều này còn tồi tệ hơn sự kiện tương tự xảy ra cách đây 50 năm”- ông Hausfather cho hay.
Theo NWS, đợt nắng nóng lần này là do áp suất cao khổng lồ (hay còn gọi là vòm nhiệt) hoạt động trên khu vực Tây Bắc nước Mỹ và Canada, tương tự như nguyên nhân khiến California và các bang Tây Nam nước Mỹ hứng chịu nắng nóng gay gắt hồi đầu tháng này. NWS dự báo nắng nóng có thể bắt đầu giảm bớt vào ngày 29/6.
Nhà nghiên cứu cấp cao Greg Flato tại ECCC cho biết, nắng nóng suốt cả ngày, thậm chí vào ban đêm, nhiệt độ hạ xuống không đáng kể. Nhiệt độ cao trong nhiều ngày liên tục là hiện tượng bất thường đối với quốc gia thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương này, do nơi đây thường hứng chịu các trận mưa dài ngày nhiều hơn so với số ngày nắng nóng.
Cuộc sống đảo lộn vì thời tiết cực đoan
Ngày 29/6, thành phố Seattle, bang Washington ghi nhận mức nhiệt cao nhất 42 độ C vào buổi tối, cao hơn mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận hôm 28/6 là 40 độ C. Thành phố Portland, bang Oregon, đạt 46 độ C sau khi đạt kỷ lục 42 độ C hôm 27/6 và 44 độ C hôm 28/6. Đây là mức nhiệt cao nhất tại khu vực nổi tiếng mưa nhiều. Nhiệt độ cao trung bình của Seattle vào tháng 6 là khoảng 21,1 độ C và chưa đến 50% dân cư trong thành phố có điều hòa nhiệt độ, theo dữ liệu Điều tra dân số Mỹ.
Nắng nóng buộc các trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa, gồm hồ bơi ngoài trời và cửa hàng kem, nơi mọi người thường tìm đến để giải nhiệt. Các điểm xét nghiệm Covid-19 và điểm tiêm chủng lưu động cũng không còn hoạt động.
Seattle đã đóng cửa một hồ bơi trong nhà sau khi không khí bên trong trở nên quá nóng. Tình trạng mất điện xảy ra trên toàn khu vực khi nhu cầu sử dụng quạt và điều hòa của người dân tăng cao, khiến lưới điện bị quá tải.
Tại Portland, dịch vụ đường sắt nội thành và xe điện bị đình chỉ do cáp điện lực bị nóng chảy và nhu cầu điện tăng vọt. Giới chức cũng mở nhiều trung tâm làm mát để phục vụ người dân, khuyến cáo họ luôn làm mát cơ thể, cung cấp đủ nước và tránh các hoạt động mất sức.
Hãng hàng không Alaska Airlines có trụ sở tại Washington cho biết, họ đang cung cấp “xe tải làm mát” cho nhân viên tại các sân bay quốc tế Seattle-Tacoma và Portland, nơi nhiệt độ trên đường băng có thể cao hơn 20 độ so với những nơi khác.
Tại hạt Multnomah, nơi có thành phố Portland, gần 60 đội tiếp cận cộng đồng đã làm việc từ 25/6 để hỗ trợ người vô gia cư nước uống, chất điện giải, cách giữ mát. Hạt có 43 phòng cấp cứu và chăm sóc khẩn cấp vì các triệu chứng liên quan đến nắng nóng từ 25-27/6, dù bình thường chỉ có 1-2 phòng.
Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo, đợt nắng nóng lịch sử này sẽ kéo dài trong tuần này và kêu gọi người dân nên ở trong các tòa nhà có máy lạnh, tránh các hoạt động ngoài trời, uống nhiều nước và theo dõi các thành viên trong gia đình/hàng xóm.
Cùng với đó, giới chức phía Nam Italy cũng cấm người dân làm việc đồng áng sau 12h30 đến 16h, có thể đến ngày 31/8, sau khi một nông dân tử vong dưới nắng nóng. Quyết định này được đưa ra sau khi nông dân Camara Fantamadi, 27 tuổi, ở Mali, được phát hiện tử vong sau khi thu hoạch cà chua dưới cái nắng như đổ lửa hôm 24/6. Vùng Puglia những tuần gần đây đang trải qua nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ lên đến 40 độ C.
Giới chuyên gia về hiện tượng nóng lên toàn cầu cho biết, hiệu ứng “vòm nhiệt” quy mô lớn sẽ thường xuyên xuất hiện tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong tương lai, khi biến đổi khí hậu tái định hình các mô hình thời tiết trên toàn thế giới.