Thói quen xoay, vặn cổ khi bị đau mỏi gây hại sức khỏe

Lan Anh 02/07/2021 16:19

Những người thường xuyên phải ngồi nhiều, đặc biệt là dân văn phòng có thói quen vặn lưng, xoay cổ mỗi khi bị mỏi. Tuy nhiên, thói quen tưởng chừng vô hại này lại là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về xương khớp và nhiều mối nguy hại khác cho sức khỏe.

Với nhịp sống gấp gáp và áp lực công việc cao, nhiều người thường xuyên phải sử dụng đến điện thoại di động, máy tính, ngồi làm việc trong thời gian dài, gây ra tình trạng đau, mỏi, đặc biệt là các vùng cổ, vai, gáy. Dân văn phòng là đối tượng cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng này. Hầu hết mọi người khi bị đau cổ, vai, gáy đều sẽ chọn cách xoay, vặn những vị trí này để giảm cảm giác khó chịu.

Theo các chuyên gia, khi chúng ta ngồi lâu ở một tư thế sẽ làm tăng áp lực lên đĩa đệm cột sống. Việc vặn, xoay cổ sẽ giúp làm giảm áp lực này, tạo cảm giác khoan khoái cho cơ thể, từ đó khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện quá mạnh, quá nhanh, quá tầm hoạt động của khớp cột sống và khớp trên cơ thể thì sẽ gây tác dụng ngược lại. Hành động này về lâu dài sẽ làm cho các diện khớp của đốt sống cổ ngày càng bị thoái hóa, thậm chí gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Cổ là vùng quan trọng và nguy hiểm, tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Xoay cổ quá mạnh và thường xuyên để tạo ra tiếng rắc có thể làm tổn thương đến mạch máu tạo thành cục máu đông đi. Động tác lắc hay bẻ cổ quá mạnh sẽ gây ra tác động vật lý ảnh hưởng đến thành mạch máu, có thể làm tách thành mạch máu, hình thành máu đông đi vào não gây tai biến mạch máu não, rất nguy hiểm.

Ảnh minh họa.

Những tiếng rắc ở cổ và các khớp xương có thể có tác động tốt đến cơ thể nếu chúng ta làm đúng cách và không quá lạm dụng. Khi tiếng rắc đi kèm với đau hay phù nề thì đó là chỉ điểm cho một vấn đề gì đó về y khoa, dẫn đến những cơn đau mãn tính kéo dài ở vùng cổ hay thậm chí là tê yếu hai tay hoặc tứ chi.

Hành động xoay bẻ cổ quá mạnh cũng có thể gây kẹt các rễ thần kinh, làm đau và khó cử động cổ, gây căng cơ quanh cột sống cổ. Khi các cơ bị căng, cử động cổ sẽ trở nên khó khăn. Các dây chằng bao khớp bị giãn ra, khó hồi phục. Điều này dẫn đến mất vững cột sống cổ, có nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống cổ và chèn ép thần kinh đòi hỏi phải can thiệp điều trị làm vững cột sống cổ.

Ảnh minh họa.

Mặc dù là trường hợp hiếm gặp nhưng không phải là không xảy ra trường hợp đột quỵ do vặn, xoay cổ. Nếu bạn bẻ khớp cổ quá mạnh có thể làm rách động mạch, làm giãn đoạn quá trình vận chuyển máu lên não và các cơ quan khác trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan vì mức độ nguy hiểm của nó.

Ảnh minh họa.

Để làm giảm cảm giác đau, mỏi cổ, vai gáy do giữ một tư thế trong thời gian dài, đặc biệt là nhân viên văn phòng, người bán hàng, thợ may… bác sĩ khuyến khích mọi người nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, cứ sau mỗi 15-30 phút 1 lần; xoa, day vùng vai gáy bằng các đầu ngón tay đối diện; nếu có khăn ấm thì nên chườm lên vai gáy; tắm nước ấm cho giãn cơ; xoay, vặn cổ với mức độ, biên độ cho phép; không để điều hoà chiếu thẳng vào gáy, đầu của mình; uống đủ nước để máu dễ lên não.

Ngoài ra, nếu bạn gặp phải tình trạng đau mỏi cổ, vai, gáy kéo dài hơn 10 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì nên đi khám càng sớm càng tốt.

Lan Anh