Tăng cường tính công khai, minh bạch và khắc phục tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục
Một số ý kiến đề nghị việc thực hiện các khoản thu phải đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng vùng miền nhưng trên nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội.
Chiều 2/7, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa“Quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” quy định đối tượng áp dụng và các nội dung cụ thể: về mức thu tối đa hoạt động dạy thêm học thêm; hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; việc thực hiện liên kết đào tạo, dạy làm quen tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non; việc tổ chức bán trú; tiền mua sắm vật dụng dùng chung và đồ dùng cá nhân phục vụ bán trú; chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập vào các ngày nghỉ, ngày hè; các khoản dịch vụ phục vụ cho học sinh và tuyển sinh các cấp.
Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đề cập đến các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ các điều kiện hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục.
Đa số các ý kiến phát biểu thảo luận tại hội nghị đồng tình cao đối với sự cần thiết phải tăng cường nguồn lực tài chính cho giáo dục và việc khuyến khích, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị việc thực hiện các khoản thu phải đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng vùng miền nhưng trên nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội và đảm bảo chất lượng giáo dục; Đối với các học sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo nên có chính sách miễn thu, giảm các khoản thu.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết cần nêu rõ cả thời hạn thực hiện, phạm vi áp dụng, trong quá trình tổ chức thực hiện các khoản thu, chi phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính, HĐND và Ủy ban MTTQ các cấp theo quy định.
Trên cơ sở các ý kiến tham vấn tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch MTTQ, Trưởng ban Dân vận tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết “Quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, cần cân nhắc vấn đề mức thu đủ chi căn cứ trên yếu tố vùng, miền; từng nội dung thu phù hợp với quy định của Nhà nước và phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, thu nhập của người dân và mức tương đồng với các tỉnh bạn.
Đồng thời, bà Phạm Thị Thanh Thủy cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo - cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của chuyên gia luật để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính pháp lý của dự thảo Nghị quyết và tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành và triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục, khuyến khích đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường tính công khai, minh bạch và khắc phục được tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục, tạo sự đồng thuận của Nhân dân, là nguồn lực quan trọng phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và tổ chức các hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ban Thường trực MTTQ tỉnh Thanh Hóa sẽ tổng hợp các ý kiến và tham vấn thêm các kênh thông tin khác để có báo cáo phản biện chính thức gửi UBND tỉnh về dự thảo Nghị quyết.