Ứng phó với thiên tai trong dịch bệnh
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu việc ứng phó thiên tai phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân, không để dịch bệnh lây lan khi phải sơ tán dân. Các địa phương thực hiện nghiêm kịch bản phòng, chống thiên tai.
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) vừa thông tin: Từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước: 2 cơn bão, 59 trận động đất nhẹ, 137 trận mưa đá, dông lốc; 5 đợt không khí lạnh, trong đó rét đậm, rét hại; 14 trận mưa lớn, lũ cục bộ; 2 trận lũ quét và 60 điểm sạt lở bờ sông. Thiên tai đã làm 25 người chết, 31 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 132 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhận định, mùa mưa bão năm nay sẽ tương đương và mưa lũ có thể phức tạp hơn năm 2020. Lũ trên các hệ thống sông chính sẽ ở mức từ báo động 2 đến báo động 3. Lũ quét sạt lở đất, ngập lụt sẽ đến sớm hơn so với những năm trước đây. Dự báo trong những tháng cuối năm có 5-7 cơn bão đổ bộ vào đất liền, không có cơn bão nào quá lớn như bão số 9 năm 2020, thế nhưng mưa thì rất bất chợt. Đặc biệt, năm nay mưa lớn sẽ tiếp tục ở miền Trung vào tháng 9, tháng 10. Đây là những nguy cơ rất lớn.
Trước những cảnh báo của cơ quan chuyên môn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, việc đảm bảo an toàn cho lực lượng phòng, chống thiên tai, an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn. Và phải gắn trách nhiệm của các địa phương nhiều hơn trong việc để xảy ra thiệt hại về số người chết và mất tích. Đặc biệt, phải xác định rõ các địa điểm có nguy cơ cao, sơ tán dân đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra và phải lưu ý cả việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiêp cũng đề nghị, không để lặp lại hình ảnh người dân leo lên mái nhà cầu cứu trong mưa lũ. Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia trong dự báo thời tiết dự báo ở mức độ chính xác nhất có thể, qua đó đưa ra các cảnh báo và hạn chế tối đa việc di dân trong khi chưa thật sự cần thiết.
Rút kinh nghiệm vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) từ hồi tháng 10 năm ngoái, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu rà soát kỹ những công trình đang thi công ở nơi có nguy cơ sạt lở. Địa phương đó phải nắm được danh sách công nhân và yêu cầu di dời tuyệt đối.
Vấn đề đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, công trình đê điều trong mùa mưa bão được ông Trần Công Tuyên, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý Đê điều cho biết: Hệ thống đê điều tại nước ta tương đối khép kín, đồng bộ tuy nhiên do tác động của thiên tai bão, lũ cùng với việc được xây dựng lâu đời nên một số nơi đã xuống cấp, hư hỏng, khó đảm bảo an toàn khi có lũ lớn xảy ra. Nguy cơ mưa lũ lớn vẫn còn xảy ra trong khi chính quyền địa phương ở một số nơi còn tư tưởng chủ quan. Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều hiện còn diễn biến phức tạp, công tác quản lý đê điều ở một số địa phương còn lơ là, chưa chú trọng. Qua công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa bão, lũ năm 2021, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đang còn nhiều tồn tại.
Cụ thể, có 200 trọng điểm xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ trong mưa lũ, 316km đê còn thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế. Cùng với đó, có 174km đê thường xuyên xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ, 386 cống cũ, hư hỏng và 233 km kè hư hỏng, xung yếu.
Các giải pháp được đưa ra gồm công tác đánh giá hiện trạng đê điều, bám sát, kiểm tra thực tế các công trình đang xây dựng dở dang và tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.