Dòng tiền nóng đổ vào chứng khoán có đáng lo?
Những ngày cuối tháng 6 vắt sang đầu tháng 7, thị trường chứng khoán lại sôi sục với sắc xanh - tím. Sau khi phá đảo 1400 điểm, lời khuyên mà giới chuyên gia đưa ra cho nhà đầu tư là phải “hết sức bình tĩnh”.
Sau phấn khích phải bình tĩnh
Nhìn lại các phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán trong tuần qua có thể nói rằng, đầy phấn khích. Phấn khích ở điểm là sau một quãng thời gian bức xúc vì nghẽn lệnh thanh khoản trên thị trường sụt giảm về khoảng 20.000 tỷ đồng/ ngày thì đến những ngày cuối của tháng 6, dòng tiền lại được bơm vào. Chẳng hạn như phiên giao dịch ngày 28/6 tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 27.670 tỷ đồng,
Điểm nữa là sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số tăng trưởng (GDP) của nền kinh tế vẫn đẹp như mơ 5, 64%, tâm lý nhà đầu tư hứng khởi hơn bao giờ hết. Dòng tiền dường như đã gạt bỏ khá nhiều lo ngại và lần lượt quay lại thị trường.
Đáng bàn nữa là khối ngoại đã có những phiên giao dịch đột biến với lượng mua ròng rất khủng. Chẳng hạn, giao dịch ngày 30/6: Mua ròng đột biến hơn 1.750 tỷ đồng.
Nhìn chung chỉ số VN-Index có khá nhiều lực đỡ để kéo dài thêm xu hướng tăng điểm. Tuy nhiên không phải vì thế mà nảy sinh tâm lý chủ quan. Bởi theo quy luật, các phiên tăng giảm sẽ vẫn đan xen nhau. Nhà đầu tư cần phải giao dịch rất cẩn trọng.
Có thể nhận thấy rằng không chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thị trường chứng khoán hiện đang thu hút mọi tầng lớp người dân quan tâm, đầu tư. Toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó có 500.000 tài khoản mới thành lập trong 6 tháng đầu năm 2021 và con số này đang tăng lên.
Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Trung tâm lưu ký chứng khoán chia sẻ rằng, đây là giai đoạn cần kiểm soát chặt dòng tiền, đồng thời cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng vì tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, 90-95% nhà đầu tư Việt Nam vẫn là nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao, khi thị trường điều chỉnh, họ có thể phản ứng thái quá và đây là rủi ro. Ngoài ra không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp hiện nay đang “té nước theo mưa”, tranh thủ đà tăng của thị trường hiện tại để “làm bóng” kết quả kinh doanh của mình nhằm mục đích phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường Mỹ có hiện tượng những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tồi tệ nhưng phát hành trái phiếu, cổ phiếu gấp đôi so với năm 2019, đây là điều phải lưu ý.
Theo ông Cấn Văn Lực, sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có thể điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh.
Hệ thống mới vận hành từ 5/7
Thời gian này rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo được tổ chức để bàn về chứng khoán. Điều này cho thấy, thị trường đang rất hấp dẫn và có nhiều nội dung để thảo luận. Trong đó chuyện nghẽn lệnh vẫn được ưu ái. Bởi lâu nay, mọi người vẫn so sánh đánh chứng khoán như đánh bạc, đặc biệt so sánh này càng được khẳng định khi thị trường “đơ”, bảng điện tử trống trơn. Muốn dẹp bỏ so sánh này không dễ.
Và thông tin mới nhất có lẽ được mong đợi là hệ thống giao dịch nâng cấp của HOSE do FPT thực hiện sẽ chính thức được vận hành từ ngày 5/7 tới.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước yêu cầu HOSE chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung tại Biên bản kiểm thử với FPT, tổ chức kiểm tra, đánh giá, rà soát kỹ, bảo đảm vận hành hệ thống giao dịch an toàn, thông suốt.
HOSE hoàn tất các thủ tục tiếp nhận hệ thống, cung cấp dịch vụ và ký kết thỏa thuận với FPT trước khi hệ thống chính thức đi vào vận hành.
HIện nay số lượng lệnh hệ thống có thể xử lý trong một ngày giao dịch tối đa 900.000, nhưng khi hệ thống mới được vận hành năng lực xử lý có thể lên tới 3 – 5 triệu lệnh/ngày. Về số lượng lệnh gửi vào mỗi giây, hệ thống mới đang được kiểm tra và ngưỡng đáp ứng cao hơn rất nhiều so với hệ thống cũ đang dùng. Thông tin này, đã giúp VN-Index tiếp tục tiến bước trên vùng 1.420 điểm. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là điểm sáng trên thị trường.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/7, sàn HOSE có 172 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index tăng 5,47 điểm (+0,39%), lên 1.422,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 400,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.302 tỷ đồng, tăng 11,38% về khối lượng và 6,52% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 15,54 triệu đơn vị, giá trị 677,8 tỷ đồng.
Còn sàn HNX có 75 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index tăng 1,95 điểm (+0,6%), lên 327,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 96,9 triệu đơn vị, giá trị 2.347 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,61 triệu đơn vị, giá trị hơn 169 tỷ đồng.
Cơ hội lớn hơn thách thức
Bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho rằng, trong quãng thời gian còn lại của năm, trên sân chơi chứng khoán, cơ hội sẽ thắng thế thách thức. Theo phân tích vì những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) còn đó: Vĩ mô tiếp tục ổn định, sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp niêm yết vẫn cải thiện, chính sách tiền tệ chưa có biến động trong ngắn hạn. Sức hấp dẫn của TTCK vẫn còn khi mà các kênh đầu tư khác, chẳng hạn như bất động sản chưa lấy lại được sự hấp dẫn. Tuy sắp tới TTCK sẽ có triển vọng tăng trưởng, nhưng một số cổ phiếu tăng nóng sẽ có điều chỉnh…
Về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm cũng như trong thời gian tới, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước ông Phạm Hồng Sơn nói, cùng với tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên 4 trụ cột gồm tái cấu trúc hàng hoá, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước tập trung xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.
Một giải pháp trọng tâm sẽ được triển khai trong 6 tháng cuối năm là tập trung thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường để đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ luật cho thị trường.
Dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm nay, ông Phạm Hồng Sơn nhận định, sự vận động của thị trường chứng khoán không thể tách rời các hoạt động của mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội.
Vì vậy, với sự quyết liệt của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, các nước mở cửa các hoạt động kinh tế, đầu tư… trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút thêm được lượng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài.
Cho rằng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm tiếp tục có bước phát triển mới, nhưng ông Phạm Hồng Sơn khuyến nghị các thành viên thị trường cần có sự thận trọng trong các hoạt động tham gia thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Giới chuyên gia nhìn nhận khi TTCK phát triển gắn với sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế nhiều hơn, thì càng nên quan tâm đến các yếu tố nền tảng của thị trường như tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc TTCK, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp… hơn là những diễn biến gắn liền với đầu cơ.
Bên cạnh đó thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, mà hiện hữu là nhiều yếu tố bất định do đại dịch vẫn phức tạp bên cạnh các rủi ro về lạm phát, cũng như những cú sốc khác mà chưa thể tiên lượng được. Nhà đầu tư và các thành viên thị trường cần trang bị cho mình cách nhìn nhận vấn đề tổng quan và đa chiều, đồng thời cần trau dồi kiến thức về quản trị rủi ro trong đầu tư, trong phát triển doanh nghiệp để trụ vững ngay cả trong những tình huống các chuyển động khách quan đều bất lợi.
Thị trường UPCoM tháng 6 tiếp tục có diễn biến khá sôi động. Tại thời điểm cuối tháng, chỉ số UPCoM-Index đóng cửa đạt 90,3 điểm, tăng 1,72% so với cuối tháng trước. Toàn thị trường có hơn 2,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị giao dịch 42,6 nghìn tỷ đồng, tăng 72% so với tháng trước. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 106 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 2 nghìn tỷ đồng/phiên. Trong tháng 6, phiên có khối lượng giao dịch cao nhất đạt 182,8 triệu cổ phiếu được ghi nhận vào ngày 4/6 và phiên có giá trị giao dịch cao nhất đạt 2,6 nghìn tỷ đồng vào ngày 14/6/2021.