Xét tuyển đại học bằng học bạ: Có khách quan, công bằng?

Tùng Linh 04/07/2021 13:00

Nếu như trước đây, nhiều trường đại học (ĐH) còn dè dặt trong việc sử dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh, thì năm nay đã tăng dần tỉ lệ tuyển sinh bằng phương thức này. Ở góc độ tích cực thì xét tuyển bằng học bạ giảm áp lực thi cử, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Nhưng khi mà chất lượng giáo dục ở từng nơi vẫn còn không đồng đều, khi vẫn còn những ngờ vực trong việc làm đẹp hồ sơ bậc THPT thì xét tuyển học bạ liệu có khách quan, công bằng?

Học sinh “chắc suất” vào đại học

Học sinh lớp 12 năm nay đã trải qua 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19. Và để đảm bảo tấm vé vào ĐH nhiều học sinh đã tận dụng phương thức xét tuyển học bạ. Nguyễn Tuấn Anh, học sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên chia sẻ: Với học bạ trường chuyên, em đã có tấm vé vào ĐH. Trường chuyên hay hơn những trường khác là về mặt học bạ, các kỳ đều trên 8,0 thì cơ hội vào ĐH rất rộng mở.

Tương tự, Nguyễn Trung Quân, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, Hà Nội cũng đã chắc suất đỗ vào một trường ĐH nhờ học bạ 3 năm THPT cao chót vót: Em đã cố gắng từ năm lớp 10 để có được học bạ đẹp. Học kỳ 2 năm lớp 12 em được 9,0, đó cũng là một mức điểm khá an toàn giúp em có cái “phao” sẵn để vào ĐH.

Hồ sơ xét tuyển học bạ tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước là một thực tế trong mùa tuyển sinh năm nay. Bà Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học công nghệ Hà Nội cho biết: Trải qua đợt 1, đợt 2 xét tuyển, thí sinh trúng tuyển của nhà trường đã lên tới 1.100 em. So với năm 2020 thì đợt 3 tuyển sinh, thí sinh cũng nộp hồ sơ rất đông. Với tình hình Covid-19 phức tạp như hiện nay thì chúng tôi sẽ lên phương án phỏng vấn online để tuyển đủ số lượng thí sinh theo quy định.

Theo ông Cao Xuân Hiếu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục, mùa tuyển sinh năm nay nhà trường tăng 10% chỉ tiêu học bạ. Ông Hiếu cho rằng, sinh viên xét học bạ có năng lực học tập khá tốt, và tin vào kết quả học tập ở THPT của các em.

Có sự chấp nhận tốt hơn về xét tuyển bằng học bạ

Lý giải cho việc tăng số lượng các trường xét tuyển thí sinh vào ĐH bằng học bạ, chuyên gia giáo dục, TS Lê Đông Phương cho biết: Do tình hình dịch bệnh nên các trường ĐH đã mở rộng tỉ lệ xét tuyển bằng học bạ lên khá nhiều. Bên cạnh đó chúng ta cũng hiểu được ý của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh khó hình dung trong thời gian tới nên đã chọn con đường an toàn, đó là nộp đơn thi xét tuyển bằng học bạ.

Nếu trước đây phương thức xét tuyển học bạ thường phổ biến ở những trường ngoài công lập thì nay các trường ĐH công lập, thậm chí là các trường tốp đầu cũng xét tuyển học bạ.

Theo ông Phương, việc này phản ánh sự thay đổi trong việc đảm bảo chất lượng của Bộ GDĐT. Như được biết, trước đây việc lấy kết quả thi tốt nghiệp hoặc thi ĐH để làm căn cứ xét tuyển là hình thức khá phổ biến.

Thế nhưng trong những năm gần đây, Bộ GDĐT đã đẩy mạnh, siết chặt hơn kỷ cương trong các nhà trường phổ thông, và cũng đã có những chấn chỉnh nhất định. Điểm số trên học bạ tuy chưa thực sự đủ tin cậy nhưng cũng đã có độ tin cậy cao hơn những năm trước. Và chính vì vậy, kể cả các trường ĐH, những trường có sự sàng lọc rất lớn thì cũng đã chấp nhận sử dụng điểm học bạ như một công cụ để xét tuyển chính thức của nhà trường.

Tôi cho đây là một điều đáng mừng khi bản thân các cơ sở giáo dục ĐH đã có được sự tin cậy cao hơn ở kết quả học tập trong trường phổ thông. Bên cạnh đó thì xã hội cũng đã có một sự chấp nhận tốt hơn về việc dùng điểm học bạ để xét tuyển.

Sẽ chọn được thí sinh xứng đáng?

Mặc dù được đánh giá sẽ giảm áp lực thi cử song việc xét tuyển bằng phương thức học bạ cũng đặt ra rất nhiều nghi ngại về tính khách quan, công bằng. Đây là quan điểm của TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GDĐT): Thực tế cho thấy rằng việc đánh giá học bạ ở khá nhiều trường phổ thông hiện nay chưa đảm bảo độ tin cậy cũng như độ chính xác, có thể có trường này trường kia, ở vùng miền nào đó cho nâng điểm lên vì làm thật thì người học bị thiệt, các trường sợ bị tụt thành tích.

Rồi việc xét học bạ cũng dễ dẫn đến việc giáo viên thương học trò trong tình hình dịch bệnh, nâng điểm cho người học. Để vào ĐH theo cách như vậy thì mất công bằng. Nếu các trường đều làm trung thực, khách quan thì người học chưa chắc được hưởng lợi trong câu chuyện xét tuyển.

Tương tự, TS Lê Đông Phương nhận định: Việc sử dụng điểm học bạ để xét tuyển vào ĐH cũng đã đặt ra nghi ngờ của khá nhiều người. Người ta cho rằng điểm đó không được khách quan cho lắm. Điều này thực sự ở đâu đó vẫn có, ví dụ như năm ngoái Cục Quản lý chất lượng của Bộ GDĐT làm phân tích so sánh giữa điểm thi và điểm học bạ đã cho thấy, có một số địa phương điểm học bạ bình quân cao hơn điểm thi từ 1 điểm. Như vậy rõ ràng vẫn còn có một khoảng chênh không phải là lớn nhưng cũng đáng kể giữa điểm học bạ và điểm thi.

“Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy rằng, hiện nay các phương thức xét tuyển vào các trường ĐH khá đa dạng. Nếu chỉ nhìn vào một phương thức duy nhất là xét tuyển bằng điểm học bạ thì rõ ràng việc chênh lệch điểm học bạ giữa các trường, các địa phương, các vùng miền có thể sẽ tạo ra sự mất cân bằng, hoặc có những vấn đề không ổn. Nhưng hiện nay các trường không chỉ áp dụng một phương thức xét tuyển duy nhất mà trường ít nhất cũng phải có 3 phương thức xét tuyển, trường nhiều thì 5, 6 phương thức, nên thí sinh có nhiều cơ hội đăng ký vào các trường.

Điều đó cũng dẫn đến câu chuyện nếu có điều gì không ổn từ xét tuyển học bạ, các trường vẫn còn cơ hội chọn lọc học sinh xứng đáng vào học ĐH bằng phương thức xét tuyển khác, cũng làm giảm đi sự mất công bằng của điểm học bạ. Tùy theo trường ĐH, họ sẽ có cách để đảm bảo được đầu ra theo chuẩn quy định” - TS Phương nói thêm.

Theo TS Lê Đông Phương: Không phải bất kỳ ai vào ĐH cũng có thể tốt nghiệp ĐH. Có thể trước đây cơ bản là như vậy nhưng trong những năm gần đây có khá nhiều trường ĐH, một năm đã phải cho thôi học hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên. Điều đó phản ánh không phải bất cứ ai vào được ĐH đã là những người thật sự xuất sắc. Thứ hai, vào được ĐH nhưng khi các em nhận thức được rằng hình như mình chọn sai con đường tương lai, tự bản thân các em bỏ học hoặc các em đuối không theo được các bạn. Câu chuyện này không phải là chuyện gì lạ, sàng lọc trong quá trình đào tạo ĐH mới là một trong những cách để các trường đảm bảo chất lượng đầu ra.

Nếu không đảm bảo chất lượng đầu ra, thì hoặc sinh viên sẽ không tìm được việc, hoặc doanh nghiệp sẽ phản ánh lại, những thế hệ học sinh tiếp theo sẽ dè chừng hơn với trường học như vậy. Đó là cách thức để xã hội phản hồi lại về chất lượng giáo dục của trường ĐH.

Tùng Linh