Số hóa và lưu giữ phim: Con đường còn gian nan

Quỳnh Chi 04/07/2021 09:02

Trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở giai đoạn đầu tiên trong quá trình số hóa, phục chế tư liệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động lưu trữ, phục chế phim được cho là lựa chọn tối ưu.

1. Viện Phim Việt Nam vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Tại đây, một con số được nêu ra: Chỉ tính riêng Viện Phim Việt Nam - cơ quan lưu trữ quốc gia về hình ảnh động - hiện đang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại, hàng chục nghìn băng, đĩa trong kho.

Ngoài ram một khối lượng phim rất lớn khác hiện đang được lưu trữ ở những đơn vị khác như: Kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Kho phim lưu trữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh trực thuộc Viện Phim Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng…

Tuy nhiên trong những năm qua, câu chuyện lưu trữ, bảo quản, phục chế phim ảnh của chúng ta đã đối diện nhiều khó khăn. Tại hội thảo mới đây, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lấy ví dụ những thước phim: “Cánh đồng hoang”, “Em bé Hà Nội”, “Khi đàn chim trở về” - những bộ phim được gọi là “viên ngọc quý của điện ảnh cách mạng” đã bị xước xát, âm thanh rè rè, hình ảnh giật giật chớp chớp.

“Việt Nam đang sở hữu và mỗi ngày được làm dày dặn thêm khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ. Nhưng cùng với đó, sự lão hoá của những cuốn phim vật lý là không thể chống lại. Phim nhựa 35mm chính là định dạng vừa rực rỡ nhất nhưng cũng mong manh nhất”- đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp của nhiều bộ phim, các chuyên gia cùng những người làm công tác lưu trữ cho biết, do điều kiện khí hậu Việt Nam khắc nghiệt, việc lưu trữ, bảo quản phim gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, nhiều thước phim nhựa xuống cấp, nhựa mốc, nhiễm khuẩn, xước, biến dạng…, một số tài liệu không còn khả năng sử dụng.

Bà Đinh Thị Thúy Chinh, Phó trưởng phòng Bảo quản, Viện Phim Việt Nam, cho rằng: “Lưu trữ tư liệu hình ảnh động là một công việc hết sức quan trọng. Nhưng, vốn là một loại vật liệu mỏng manh, dễ bị ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nhất là môi trường nóng và ẩm như nước ta, phim điện ảnh có nguy cơ bị hủy hoại”.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Trưởng phòng Bảo quản Tư liệu Điện ảnh, Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh, bảo quản phim là công việc nặng về kỹ thuật, không thể thiếu các thiết bị chuyên dụng đặc thù, phục vụ cho việc xử lý phim đạt chuẩn trước khi nhập kho và bảo quản phim theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

Thực tế, hầu hết thiết bị trong Kho phim lưu trữ tại Trung tâm này đều đã qua nhiều năm sử dụng, một số đã hỏng do xuống cấp; một số không hoạt động do thiếu hóa chất hoặc thiếu linh kiện thay thế (máy rửa phim); một số đang hoạt động sau khi đã được sửa chữa hoặc nâng cấp, trong đó một số hoạt động không ổn định. Bên cạnh đó, thiết bị trong kho phần lớn đều thuộc phiên bản thế hệ cũ đã không còn sản xuất nên việc sửa chữa, thay thế hoặc bổ sung gặp không ít khó khăn.

2. Theo các chuyên gia, lựa chọn khả dĩ nhất hiện nay là ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động lưu trữ, phục chế phim. Đây là một xu hướng tất yếu, là đòi hỏi cấp thiết đối với điện ảnh nói chung cũng như các cơ quan lưu trữ phim nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Dư, Phó viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu. Bởi thế, công việc này phức tạp khó khăn bởi vừa phải tiếp thu công nghệ mới, vừa phải tiếp tục duy trì bảo quản phim nhựa truyền thống.

Trong khi đó, ông Đào Việt Hùng, Phó Giám đốc, Trung tâm Giải pháp và Dịch vụ Số Viettel IDC khẳng định, số hóa phim lưu trữ trở thành một xu thế tất yếu với những ưu điểm về mở rộng quy mô lưu trữ, nhân bản và phổ biến phim thuận lợi.

Theo ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Công nghệ Công ty Cổ phần Nghe nhìn Việt Nam, số hóa phim là lựa chọn duy nhất tới thời điểm này và thực tế hầu hết các cường quốc về điện ảnh trên thế giới đã hoàn thành công đoạn số hóa kho phim của mình.

Tuy nhiên, với số lượng lưu trữ lên đến hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa trong các kho phim, đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian thì khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số và sau đó là tu sửa, phục hồi theo yêu cầu thực tế, rồi cuối cùng là lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp, quả thực là khổng lồ và vô cùng tốn kém.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt lưu trữ, số hóa, phục chế phim cần xây dựng kế hoạch tổng thể, lộ trình cụ thể. Công tác số hóa và phục chế phim cần đầu tư thêm về kỹ thuật, hệ thống trung tâm dữ liệu, đào tạo cán bộ…

Bên cạnh công tác số hóa lưu trữ phim, vấn đề phục chế phim cũng được các đơn vị lưu trữ quan tâm.

3. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại về việc bảo vệ bản quyền phim trên mạng. Tình trạng xâm hại bản quyền phim ảnh trên không gian mạng vốn phổ biến trong nhiều năm nay. Trong năm 2020, nhiều trang web xem phim lậu đã bị chặn, nhưng lập tức xuất hiện nhiều trang mới xuất hiện. Cuối năm ngoái, dư luận cũng xôn xao xung quanh việc một số bộ phim Việt Nam trên nền tảng chiếu phim có thu phí của nước ngoài nhưng không tuân thủ pháp luật về bản quyền tại Việt Nam.

Thực trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã cho thấy các “lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật bản quyền cho phim ảnh số tại nước ta. Do đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường xác định vai trò, nhiệm vụ trong quản lý điện ảnh để từ đó góp phần xây dựng thành công nền tảng số với hệ thống phim đồ sộ, trong đó có mảng phim chiếu miễn phí và thu phí.

Quỳnh Chi