Người dân giảm gánh nặng tài chính khi đi khám, chữa bệnh
Đây là khẳng định của ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về chính sách Bảo hiểm y tế ( BHYT) xung quanh việc triển khai chính sách BHYT trong thời gian qua.
PV: Thưa ông dưới tác động dịch Covid-19, bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính thì chính sách BHYT được xem là cơ chế tài chính công dành để chăm lo sức khỏe cho người dân. Xin ông cho biết kết quả mà chính sách này đem lại trong thời gian qua?
Ông Phạm Lương Sơn: Thực tế lâu nay chính sách BHYT vốn đã được xem là chính sách công, là “giá đỡ” chăm lo sức khỏe cho người dân. Bằng chứng là chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi người dân cho các dịch vụ y tế đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế hiện nay. Con số này vẫn còn ở mức khá cao, nhưng cho thấy xu hướng giảm dần, hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Thống kê trong 5 năm gần đây thực hiện chính sách BHYT cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả trên 130 nghìn tỷ cho các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, phẫu thuật thủ thuật, phục hồi chức năng, y học cổ truyền; chi hơn 151 nghìn tỷ tiền thuốc và gần 25 nghìn tỷ cho các loại vật tư y tế. Có thể khẳng định trong 5 năm qua, quyền và lợi ích của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo một cách tối ưu nhất.
Như ông chia sẻ, số chi thường xuyên hàng năm cao hơn với quỹ BHYT, vậy BHXH Việt Nam đã có những giải pháp như thế nào để đảm bảo an toàn cho Quỹ BHYT thưa ông?
- Thống kê tính từ năm 2016, số chi KCB BHYT đã tăng 46% so với năm 2009, lần đầu tiên quỹ KCB BHYT bắt đầu mất cân đối. Từ năm 2017 đến nay, quỹ BHYT luôn có số chi cao hơn số thu. Năm 2017, số thu là 71.301 tỷ đồng, thì chi KCB là 88.660 tỷ đồng. Năm 2018, số thu là 83.335 tỷ đồng, số thu lên tới 91.405 tỷ đồng; năm 2019 số thu là 90.839 tỷ đồng, số chi là 108.060 tỷ đồng.
Có thể thấy về mặt tích cực, số lượt, số chi KCB BHYT cho người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh thể hiện sự quan tâm ngày càng cao của người dân đến chính sách BHYT, cũng như sự đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Tuy nhiên mức chi gia tăng nhanh cũng cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong việc đảm bảo an toàn quỹ BHYT. Nguyên nhân do mức đóng BHYT thấp, nhiều năm chưa điều chỉnh; quyền lợi BHYT được mở rộng theo các quy định được điều chỉnh của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật,...
Song song đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB BHYT mới, có kết cấu thêm tiền phụ cấp y tế đặc thù, tiền lương cũng như thực hiện phương thức thanh toán theo phí dịch vụ, các cơ sở y tế chuyển dần sang tự chủ tài chính đã khuyến khích tăng cung ứng dịch vụ KCB khi chưa thực sự cần thiết cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc quỹ KCB BHYT mất cân đối thu chi trong năm.
Thời gian vừa qua, để đảm bảo việc sử dụng quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu cơ sở KCB, BHXH các tỉnh giám sát điều trị nội trú, tránh tình trạng cơ sở y tế cố tình “đẩy” bệnh nhân vào điều trị nội trú để tăng nguồn thu...
Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế tham gia dự án Luật BHYT sửa đổi; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT…
Vậy để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT theo ông cần có những giải pháp gì?
- Hiện số người tham gia BHYT tăng trưởng ấn tượng qua các năm, so với năm 2015 số người tham gia BHYT năm 2016 tăng nhiều nhất tới 11%, năm 2015 và 2017 mỗi năm tăng 6-7%, giai đoạn 2018-2020 duy trì mức tăng trên dưới 3% mỗi năm. Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người tuy nhiên vẫn còn khoảng 10% dân số còn lại chưa tham gia BHYT.
Đây cũng là con số đáng quan tâm bởi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT, không có cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, đảm bảo được hai yêu cầu rất cơ bản.
Đó là, phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi KCB mà không có BHYT; đồng thời, phải bảo đảm bền vững về tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam hiện nay, khi tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT vẫn đang tiếp diễn.