Miễn phí 10 ca thụ tinh ống nghiệm cho vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn
10 cặp vợ chồng khó khăn đã được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn.
10 trường hợp được chọn TTTON miễn phí sẽ được Bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí thực hiện TTTON (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi….), khoảng 70 - 100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp. Ngoài ra, Bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó các gia đình đã thực hiện để hoàn thiện hồ sơ.
Riêng các chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như những chi phí phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện TTTON, bệnh nhân sẽ tự thanh toán theo quy định.
Trong các ca được TTTON miễn phí từ năm 2019 đến nay, 85% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh (25 em bé chào đời), một số đang chờ sinh với sự theo dõi, hỗ trợ tối đa từ Bệnh viện. Các gia đình còn lại đang chuẩn bị chuyển phôi trong thời gian sắp tới.
BS.CKII. Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết, tính đến thời điểm này, trong khuôn khổ chương trình TTTON miễn phí, sau 3 năm triển khai, có 33 gia đình hiếm muộn khó khăn được Bệnh viện hỗ trợ miễn phí. Trên thực tế, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là TTTON không phải là nhỏ.
Do đó, thông qua chương trình, chúng tôi muốn tiếp sức cho họ, trước nhất là sự hỗ trợ về chi phí, tiếp đó là sự tận lực hết mình của đội ngũ y bác sĩ để giúp các gia đình chạm vào ước mơ làm cha làm mẹ.
“Chứng kiến niềm hạnh phúc của các gia đình lần đầu chào đón con yêu sau bao năm mòn mỏi đợi chờ, chúng tôi càng có thêm động lực để duy trì và thực hiện thêm nhiều chương trình hỗ trợ nhân văn như thế”, BS.CK.II. Nguyễn Khắc Lợi cho biết thêm.
Các các gia đình nhận được hỗ trợ đã có những chia sẻ xúc động về hành trình “tìm con” của mình. Chẳng hạn, trường hợp gia đình chị Đinh Thị Niềm, anh Nguyễn Văn Yên (Việt Hồng, Bắc Quang, Hà Giang) người dân tộc Tày.
Kết hôn từ năm 2013, mãi chưa có con, hai vợ chồng từng khám hiếm muộn, kết quả chồng tinh trùng yếu, vợ tắc 2 vòi trứng. Chị đã bơm thông vòi trứng 2 lần, chi phí hết 25 triệu nhưng không thành công.
Gia đình ở cùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang, hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, kinh tế phụ thuộc vào 2 sào đất trồng lúa, gia đình bố mẹ 2 bên cũng rất khó khăn. Anh chị đành tạm gác ước mơ tìm con cho đến khi may mắn được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hỗ trợ.
Hay như trường hợp gia đình anh Lê Hải Phong, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Thị trấn Trường Sơn, An Lão, Hải Phòng), kết hôn từ năm 2015 nhưng chưa có con. Anh Phong hiện là bộ đội biên phòng, thường xuyên phải công tác xa nhà, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.
Ngoài trang trải cuộc sống, anh chị hiện đang chăm sóc bố mắc bị ung thư hạch, đái tháo đường, suy tim… Trước đây, hai vợ chồng đã từng làm TTTON một lần nhưng không thành công. Khi mong ước có được đứa con của chính mình dường như phải gác lại để lo toan cuộc sống thì chính hỗ trợ của Bệnh viện đã mang đến hy vọng mới cho gia đình anh chị.