Giảm nghèo ở Hoà Bình
Nếu như trước đây nói đến Hoà Bình, nhiều người vẫn bảo: Chỉ được “bộ mặt” thành phố thôi, vùng Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thuỷ… còn nghèo lắm. Nhưng bây giờ đó là câu chuyện cũ. Qua những con đường vắt qua sườn núi, hiện ra những bản làng trù phú. Nhiều gia đình ở các bản làng còn có điều kiện mua cả ô tô, khi đường bê tông rộng rãi toả khắp thôn xóm.
Huyện Mai Châu có 10 xã vùng III, 7 xóm ở các xã vùng II thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ở mảnh đất này, đồng bào dân tộc thiểu số lại chiếm… đa số, với 88,04% dân số toàn huyện. Trong đó, đông nhất là ba dân tộc Thái, Mường, Mông.
Là huyện vùng cao, lại đông đồng bào dân tộc thiểu số, công tác xoá đói, giảm nghèo của Mai Châu có những đặc thù riêng. Cùng với việc xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng được cải tạo, kỹ thuật được đưa về…, điều quan trọng với Mai Châu là phải vận động làm sao để người dân nỗ lực triển khai xây dựng kết hợp xoá đói, giảm nghèo.
Bởi thế, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các mô hình dân vận khéo. Trong đó, chú trọng các mô hình phát triển kinh tế. Toàn huyện có 230 mô hình dân vận khéo thì có đến 89 mô hình tập trung vào lĩnh vực kinh tế.
Bà Hà Thị Dược, Chủ tịch UBMTTQ huyện Mai Châu chia sẻ: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện tới cơ sở tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào thi đua dân vận khéo gắn với phong trào thi đua yêu nước và chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm phát triển kinh tế xã hội; đa dạng hóa các hình thức vận động nhân dân xây dựng và thực hiện phong trào thi đua, qua đó thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo”. Từ sự vào cuộc vận động, giúp đỡ của Mặt trận, các đoàn thể, nhiều mô hình làm ăn mới ra đời, nhất là các trang trại trồng cây ăn quả, hay mô hình du lịch cộng đồng.
Bà Vì Thị Mai, Xóm Lác xã Chiềng Châu là một người mạnh dạn đầu tư vào mô hình homestay để đón khách du lịch. Dù trước mắt dịch bệnh khiến gia đình bà gặp không ít khó khăn nhưng đây là một hướng đi đúng.
Bà Vì Thị Mai cho biết: “Việc thực hiện mô hình kinh tế mới giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định. Tôi muốn nhân rộng ra để tạo điều kiện cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình”.
Anh Hà Văn Hòa ở xóm Đậu, xã Tòng Đậu (Mai Châu) cũng là một điển hình của phong trào vươn lên xây dựng kinh tế. Được sự vận động, giúp đỡ của các đoàn thể địa phương, anh mạnh dạn vay ưu đãi 45 triệu đồng để xây dựng chuồng và mua 2 con bò sinh sản. Ngoài ra, anh Hòa còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch cho bò. Đến nay, 1 con bò đã sinh sản.
Ngoài ra, gia đình anh Hòa và nhiều hộ ở xã Tòng Đậu còn được tiếp cận vốn từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng công trình phụ. Từ vốn vay ưu đãi đã giúp các hộ dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế.
Nói về khó khăn, huyện Đà Bắc là một điển hình của tỉnh Hoà Bình. Địa hình đồi núi trắc trở, giao thông khó khăn, đất đai cằn cỗi nên công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao Đà Bắc là bài toán nan giải.
Chưa kể, những năm gần đây, huyện luôn phải chịu những thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai gây ra. Thế nhưng, càng khó khăn huyện càng nỗ lực vươn lên. Điển hình trong số này phải kể đến các xã Cao Sơn và Tú Lý. Do đặc trưng địa hình, các hội gia đình tập trung vào kinh tế chăn nuôi, chuyển đổi trồng rừng keo, bồ đề kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi… Trong đó, xã Cao Sơn bây giờ đã là một vùng trồng cam, bưởi có tiếng với hơn 100ha. Ban đầu, mọi người quen với kiểu làm ăn cũ nên không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm.
Trong bối cảnh ấy, MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ vận động các hội viên mạnh dạn đầu tư, vay vốn, các đoàn thể hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm… Gia đình anh Đinh Văn Thái tại thôn Nà Chiểu bây giờ sở hữu một mô hình vườn – ao – chuồng lý tưởng với vườn bưởi, ao cá, chuồng nuôi lợn mán kết hợp nuôi gà vịt. Mô hình của anh cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều gia đình khác thấy mô hình hiệu quả đã học hỏi, đầu tư để vươn lên.
Những kết quả này cộng hưởng với thành quả của tiến trình xây dựng NTM giúp cho cuộc sống người dân cải thiện rõ rệt. Hiện tại, trung bình các xã đạt 13,62 tiêu chí/xã. Các xã: Tú Lý, Hiền Lương, Toàn Sơn đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong năm 2021, huyện Đà Bắc phấn đấu nâng thu nhập bình quân đạt 33,2 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,3%, toàn huyện có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM.
Song song với hỗ trợ người dân chuyển đổi kinh tế, với những hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt, nhất là hộ neo đơn, người già, hộ có người bệnh tật, đau ốm kinh niên, MTTQ các cấp tỉnh Hoà Bình tập trung xây dựng nhà đại đoàn kết để các hộ gia đình có chỗ an cư.
Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đặng Bích Ngọc cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, trên 6.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà. 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sống tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Toàn tỉnh huy động được khoảng 6.000 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, trên 29.000 lượt hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2015 còn 11,36% năm 2019, dự kiến đến hết năm 2021, giảm còn 6,6%.