Rủi ro tiềm ẩn khi mua hàng online
Mua sắm qua kênh thương mại điện tử ngày càng trở thành thói quen của người tiêu dùng khi mà dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Mang lại nhiều thuận lợi cho cả người mua và người bán, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh lựa chọn việc giao dịch qua kênh thương mại điện tử để hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc. Tuy nhiên, bên cạnh những hữu ích, thương mại điện tử cũng đang bộc lộ nhiều nhược điểm.
Đáp ứng xu thế tiêu dùng theo hướng 4.0, nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuất hiện trong thời gian qua thu hút đông đảo doanh nghiệp (DN) tham gia cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng. Những cái tên như Sen đỏ, Lazada, Shopee, Tiki... ngày càng trở nên quen thuộc. Là một trong những “tín đồ” mua sắm online.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, phố Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội cho biết, trong khoảng hơn một năm rưỡi dịch bệnh hoành hành, chị đã hạn chế việc đến các siêu thị, trung tâm mua sắm... để mua hàng. Thay vào đó, chị tìm mua đồ tiêu dùng, kể cả thực phẩm, quần áo, giày dép... ở trên các sàn TMĐT.
Mua hàng trực tuyến tại các sàn như Shopee, Lazada tiết kiệm được về mặt thời gian, không phải mất chi phí đi lại, xăng xe, và quan trọng là hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp với người bán hàng, giảm nguy cơ lây lan bệnh tật.
“Trong hơn một năm mua sắm trên sàn Shopee, hiện tôi đã trở thành khách hàng hạng kim cương, nhận rất nhiều ưu đãi như voucher giảm giá sản phẩm, voucher miễn phí vận chuyển... khá là nhiều lợi ích cho khách hàng”, chị Thùy cho hay.
Chị Thùy là một trong số hàng triệu người tiêu dùng hiện nay đã dần thay đổi thói quen mua sắm để thích nghi với bối cảnh dịch giã hiện nay. Đây cũng là xu hướng tất yếu của thời kỳ bùng nổ công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua kênh TMĐT hay mua sắm trực tuyến vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái.… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng của Cục thời gian qua đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng TMĐT.
Đơn cử như trường hợp của anh T.H.M. (Lê Văn Lương, Hà Nội) đặt mua một đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐT với giá 650.000 đồng vào tháng 6/2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh, một đơn vị có được thông tin cá nhân của anh H.M đã lợi dụng để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị. Do đinh ninh là đơn hàng mình đặt, anh H.M. đã thanh toán tiền cho bên giao hàng.
Tuy nhiên, sau khi mở kiện hàng, sản phẩm anh nhận được lại không hề đúng với sản phẩm anh đã đặt hàng trước đó qua sàn TMĐT kia. Ngay lập tức anh T.H.M đã liên hệ với bên giao hàng yêu cầu đổi trả nhưng điện thoại đã “ngoài vùng phủ sóng”. Nghĩ sản phẩm có giá trị không quá lớn nên anh H.M đành tặc lưỡi bỏ qua.
Anh T.H.M. chỉ là một trong số nhiều khách hàng bị lộ thông tin cá nhân, để rồi nhận được những sản phẩm không như ý khi mua hàng qua các kênh TMĐT. Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng đối diện với khá nhiều rủi ro khi mua hàng trực tuyến, đặc biệt là việc bảo mật thông tin cá nhân. Nhiều khách hàng cho biết, sau một vài lần đặt hàng online, chỉ vài hôm sau đó là nhận được hàng loạt các cuộc điện thoại mời chào mua sắm, rồi mời chào tham gia các câu lạc bộ...
Trước thực tế này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người tiêu dùng không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo.
Người tiêu dùng nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín, đặc biệt là các sàn TMĐT đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động. Khi mua hàng cần tuân thủ các quy định kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Thông báo chi tiết hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.