Kích cầu nội địa phục hồi đà phát triển kinh tế

Tuệ Phương 06/07/2021 07:54

Sau những tác động của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại lợi ích thiết thực giúp hồi phục đà phát triển kinh tế.

Việc tham gia OCOP đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con làng gốm Bát Tràng.

Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội nổi tiếng cả nước với nghề làm gốm sứ và chương trình OCOP đang mang đến nhiều cơ hội cho sản phẩm làng nghề nơi đây. Hiện Bát Tràng có 600/900 hộ dân làm gốm sứ và kinh doanh các mặt hàng liên quan đến gốm sứ đều có việc làm, thu nhập ổn định. Việc tham gia OCOP cũng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nhân dân.

Theo nghệ nhân Trần Đức Tân - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, năm 2019, HTX đã tham gia chương trình OCOP và có “Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc”, một trong 5 bộ sản phẩm của xã Bát Tràng được TP Hà Nội đánh giá, phân hạng tiềm năng “5 sao” để trình Trung ương đánh giá, phân loại.

Tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cũng đưa ra các giải pháp để phát triển làng nghề mây tre đan của mình. Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, vầu, trúc, mây…những người thợ tài hoa ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã làm ra nhiều sản phẩm độc đáo như: Khay, đĩa, rổ, giá, bàn ghế, bình hoa…vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước, vừa xuất khẩu ra thế giới. Hiện xã Phú Nghĩa có 7/7 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, thu hút 2.900 hộ tham gia làm nghề.

Nhờ có nghề truyền thống mà thu nhập bình quân của bà con nhân dân trên địa bàn xã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, 2 năm qua, xã Phú Nghĩa có hàng chục sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được công nhận. Đây là sự khẳng định thương hiệu làng nghề, tạo chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được đẩy mạnh góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Ban chỉ đạo (BCĐ) đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị triển khai CVĐ gắn với hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng, BCĐ đã tuyên truyền CVĐ đến các cán bộ, Đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố thông qua hình thức đa dạng, phong phú như tọa đàm, tập huấn, phát tờ rơi, qua các phương tiện thông tin đại chúng… gắn với chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, “Ngày quyền của người tiêu dùng”, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu.

Chương trình đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng tiếp tục được đẩy mạnh gắn với phát triển thương mại, giới thiệu các điểm bán hàng Việt Nam tại các khu dân cư, địa bàn ngoại thành….Đến nay, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ lớn trong các siêu thị từ 80% đến 95%. Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mãi, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp.

Tuệ Phương