Đối phó với Covid-19: Nhiều nước thay đổi chiến lược tiêm vaccine
Biến thể Delta đang đặt thế giới vào giai đoạn nguy hiểm khi nhiều nước nâng cao cảnh báo và đứng trước nguy cơ bùng phát những làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, các nước đã ngay lập tức lên những phương án mới để đối phó với biến thể nguy hiểm này.
Delta bao phủ khắp các châu lục
Đến nay, Pháp đã tiêm chủng cho gần 34 triệu người. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, lượng người dân tại đây đi tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 liều thứ nhất giảm rõ rệt. Chính phủ nước này đang phải tích cực vận động người dân tham gia tiêm chủng. Cùng với tình trạng này, tốc độ lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang khiến cho nước Pháp đối mặt với nguy cơ bùng dịch sớm hơn dự kiến.
Ngày 5/7, Bộ trưởng Y tế Pháp, ông Olivier Véran cho biết: “So với tuần trước, mỗi ngày virus đã tăng từ 30% đến 40%. Có nghĩa là, chúng ta đang thấy virus lây lan ở mức thấp nhưng chúng ta chưa dập tắt hoàn toàn được dịch bệnh và dịch có thể tái bùng phát tương đối nhanh”.
Trong khi đó, theo ông Benoit Elleboode, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế vùng Nouvelle-Aquitaine, tất cả những người không tiêm chủng sẽ sớm bị nhiễm biến thể Delta: “Những người không tiêm chủng sẽ bị nhiễm biến thể này ngay cả khi trước đó đã từng nhiễm một biến thể khác”.
Trước mắt, Chính phủ Pháp chỉ còn cách tiếp tục vận động người dân đi tiêm mũi thứ nhất các loại vaccine ngừa Covid-19, thậm chí động viên người dân tiêm chủng ngay tại nơi đến du lịch, nghỉ dưỡng trong hè này.
Trong khi đó, Lễ kỷ niệm quốc khánh Mỹ tại Nhà Trắng hôm 4/7 là sự kiện lớn nhất kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ đã chuyển sang giai đoạn mới trong cuộc chiến với Covid-19. Mỹ đã biến một tình trạng khẩn cấp quốc gia sang một cuộc khủng hoảng cục bộ, đồng thời chuyển từ chiến dịch tiêm chủng cho người Mỹ sang thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với Mỹ và cả Tổng thống Biden, đây không phải là thời khắc “nhiệm vụ hoàn thành”, theo ông Zeke Miller, biên tập viên của AP. Hơn 200 người Mỹ vẫn tử vong mỗi ngày vì Covid-19, trong khi biến thể mới Delta tiếp tục lây lan nhanh ở trong nước và toàn cầu. Hàng chục triệu người Mỹ vẫn chần chừ với vaccine. Mục tiêu 70% người trưởng thành tiêm ít nhất một liều vaccine trước ngày 4/7 của Tổng thống Biden chưa thể hoàn thành, khi con số hiện tại chỉ đạt gần 67%.
Chính quyền Biden được cho sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để tăng tỷ lệ tiêm chủng đang chậm lại với tốc độ chưa từng thấy kể từ cuối năm ngoái. Mỹ hiện tại tiêm chủng trung bình khoảng một triệu liều mỗi ngày, giảm ba lần so với mức trung bình hơn 3 triệu liều hồi giữa tháng 4.
Tại Đông Nam Á, Giám đốc Trung tâm virus thuộc đại học hàng đầu Thái Lan, tiến sỹ Poovorawan cho biết, tại thủ đô Bangkok, nơi đang có hàng ngàn ca mới mỗi ngày, biến thể Delta đã chiếm tỷ lệ lên tới 70%. Đây là biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn 1,4 lần so với chủng Alpha. Nghiên cứu của Trung tâm virus dự báo, với số lượng bệnh nhân tăng vọt và nhiều trường hợp không có triệu chứng, nhiều khả năng số ca mắc Covid-19 tại Bangkok sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 trên khắp Thái Lan tiếp tục trong tình trạng báo động khi nước này ngày 5/7 ghi nhận thêm 6.116 trường hợp và 50 ca tử vong. Các chuyên gia y tế Thái Lan cũng cảnh báo hệ thống y tế đã rơi vào tình trạng quá tải và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào trong khi năng lực xét nghiệm cũng đã tới hạn.
Chuyển động để đối phó biến thể
Với sự xuất hiện của biến thể Delta, hàng loạt các quốc gia từ châu Âu đến châu Mỹ có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, đảo ngược mọi kế hoạch dập dịch hơn 1 năm qua. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, sự xuất hiện của biến thể Delta khiến thế giới rơi vào “giai đoạn vô cùng nguy hiểm” của đại dịch.
Vì vậy, để đối phó với biến thể Delta, các nước đang thay đổi chiến lược tiêm vaccine. Theo các nhà khoa học, việc tiêm hai loại vaccine khác nhau có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn, do vaccine kích thích các khu vực khác nhau của hệ thống miễn dịch. Không chỉ kết hợp hai hãng vaccine khác nhau mà còn phối hợp hai vaccine với công nghệ bào chế khác nhau.
Đánh giá thực tế tại Đức cho thấy những người được tiêm chéo hai loại vaccine khác nhau có sự đáp ứng miễn dịch “vượt trội rõ ràng” hơn so với những người tiêm 2 liều vaccine. Vì vậy Bộ Y tế Đức đang lên kế hoạch kết hợp mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca, với mũi thứ hai của thế hệ vaccine công nghệ mRNA như của BioNTech/Pfizer hoặc Moderna.
Kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy việc tiêm mũi thứ 3 là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch yếu. “Những kết quả thực tế cho thấy khi tiêm mũi thứ ba vaccine Oxford Astrazeneca giúp bạn tăng cường khả năng miễn dịch kháng thể, giúp đẩy kháng thể cao hơn sau mũi thứ hai”- chuyên gia Teresa Lambe thuộc trường Đại học Oxford nhận định.
Cùng với đó, Bộ Y tế Israel cũng khuyến cáo, những người có hệ miễn dịch kém nên tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba của Pfizer. Các quan chức Anh cũng đề xuất tiêm vaccine mũi 3 cho những người trên 50 tuổi. Việc điều chỉnh kế hoạch vaccine này cũng chỉ được thực hiện tại những quốc gia có đủ nguồn lực trong bối cảnh nguồn cung vaccine vẫn còn hạn hẹp. Chính vì vậy các chuyên gia y tế cho rằng, việc tiêm mũi thứ 3 là chưa cần thiết, tiêm đủ hai mũi theo khuyến cáo đã giúp bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ lây nhiễm.
Cuộc đua bào chế các loại vaccine chống biến thể mới cũng đang nóng lên giữa các hãng dược phẩm. Hãng dược Sanofi của Pháp hôm qua thông báo sẽ đầu tư 2 tỷ euro vào bào chế vaccine ngừa Covid-19 phát triển theo công nghệ mRNA. Các quốc gia cũng đẩy mạnh bào chế vaccine nội địa, với tâm thế sẵn sàng sống chung lâu dài với Covid-19.
Lambda, biến thể SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên ở Peru, đang khiến các chuyên gia ở Mỹ Latin lo lắng về những đột biến bất thường ở biến chủng này.
Theo Sputnik, dữ liệu nghiên cứu cho thấy biến thể Lambda có khả năng lây truyền nhanh hơn các biến thể như Delta, Alpha và Gamma. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy vaccine Covid-19 có thể không cung cấp đủ khả năng bảo vệ cho cơ thể chống lại loại biến thể này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ca nhiễm biến thể Lambda chiếm 82% các ca mắc Covid-19 vào tháng 5 và tháng 6 ở Peru, quốc gia có tỷ lệ tử vong do dịch bệnh cao nhất thế giới. Tại nước láng giềng Chile, biến thể này cũng chiếm gần 1/3 số ca mắc bệnh gần đây.