Nhà - thời giãn cách
Covid-19, trớ trêu thay lại là quãng thời gian mà những bữa cơm gia đình bỗng trở nên đầy đủ các thành viên.
Trong vòng gần 2 năm qua, chúng ta trải qua những lần thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Hàng quán và nhiều dịch vụ không thiết yếu khác đóng cửa. Và không còn cách nào khác, vào mỗi buổi chiều những quán bia đông nghịt người đã nhường chỗ cho những bữa ăn gia đình ấm áp.
Có lần nhìn quán bia hơi vào một buổi chiều không còn một chỗ trống thời chưa có dịch bệnh, một người bạn tôi bảo: Có lẽ không khó để hình dung về một bữa cơm tối trong các gia đình ở đô thị hiện nay khi nhìn số lượng đàn ông trong các quán bia vào buổi tối. Có bao nhiêu ông bố còn ngồi chém gió vào giờ đó là có bấy nhiêu bữa cơm gia đình thiếu người đàn ông.
Covid-19 làm xáo trộn. Thậm chí phương pháp chống dịch của Việt Nam là truy vết, khoanh vùng những người tiếp xúc với bệnh nhân cũng đã khiến xã hội nhiều phen xôn xao vì có những chuyện bỗng nhiên bị lộ ra… Trẻ con hầu hết được nghỉ học ở nhà học trực tuyến. Nhiều ông bố bà mẹ cũng ở nhà làm việc trực tuyến. Thay vì có một bữa tối ăn cùng nhau mà chưa chắc đã đầy đủ thành viên, nhiều gia đình thời gian qua đã nấu ăn 3 bữa ở nhà. Trên mạng xã hội, xuất hiện những câu chuyện tiếu lâm thời giãn cách xã hội theo kiểu thời gian biểu một ngày của vợ của chồng của con mà việc chiếm thời gian nhiều nhất của các bà vợ là “mắng bố”.
Đằng sau những thông tin mang tính chất đùa cợt trên mạng xã hội, có một thông điệp không khó để nhận ra là thực chất việc có quá nhiều thời gian “chạm mặt” nhau ở nhà của các thành viên trong gia đình cũng nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Gia đình thời Covid-19 khiến người ta nhận ra những giá trị của nhau và ý nghĩa của “nơi cố thủ cuối cùng” không phải chỉ để bảo vệ nhân cách hay phẩm giá mà còn giúp người ta an toàn trước dịch bệnh, theo nghĩa đen.
Nhưng có lẽ, cần những điều tra xã hội học thật nghiêm túc xem quãng thời gian ở nhà cùng nhau nhiều hơn giữa vợ chồng con cái như trong thời buổi cách ly này khiến gia đình Việt Nam có gắn kết hơn không? Và mỗi thành viên gia đình có cảm thấy hạnh phúc hơn không? Đâu là những khiếm khuyết của gia đình hiện đại mà chúng ta cần bồi đắp.
Trải qua một trận đại dịch rất lớn, nhiều người trong chúng ta nhận ra những giá trị của cuộc sống một cách sâu sắc hơn, trong đó có những giá trị thuộc về gia đình. Suy cho cùng, sự gắn kết của chúng ta dưới mỗi một mái nhà không phải chỉ được đo bằng quãng thời gian ở bên nhau mà quan trọng còn là những giá trị yêu thương mà chúng ta trao gửi cho nhau. Tình yêu thương là giá trị bền chặt nhất gắn kết mỗi người, để từ đó những đứa trẻ lớn lên một cách lành mạnh và khỏe khoắn. Để những bữa ăn gia đình không phải chỉ có trong thời gian giãn cách xã hội không còn tìm được quán nhậu mà nó thực sự hiện diện và là nơi để thực hành yêu thương dưới mỗi mái nhà.