Nhân cách hình thành từ gia đình

Nhóm phóng viên 28/06/2021 14:00

Gia đình là "cái nôi" nuôi dưỡng, là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Trong đó, sự giáo dục của cha mẹ là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất.

Nhà nghiên cứu Trịnh Trung Hòa.

Nói đến việc dạy con, nhiều người thường nghĩ ngay đến những phương pháp giáo dục tác động vào đứa trẻ, như giảng giải cho con hiểu thế nào là người tốt và muốn thế, người con cần phải rèn luyện, phấn đấu như thế nào. Nhưng thực tế cho thấy con cái thường học được phần lớn từ những việc cha mẹ mình làm nhiều hơn là những gì cha mẹ nói.

Gia đình là "cái nôi" nuôi dưỡng, là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Trong đó, sự giáo dục của cha mẹ là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất.

Một trong những điều mà các nhà giáo dục học từng nghiên cứu đưa ra nhận định là trẻ em thường rập khuôn theo cách hành xử của cha mẹ hay người lớn trong gia đình. Điều đó có nghĩa là thái độ và cách hành xử của con trẻ thường mô phỏng lại những điều mà các em mắt thấy tai nghe từ lời nói và hành động của người lớn. Cho nên khi bậc cha mẹ sống cùng con, đừng quên rằng mỗi hành vi của mình dù vô tình hay hữu ý đều là kiểu mẫu cho con cái noi theo và muốn hay không, bậc cha mẹ vẫn là tấm gương của con mình.

Sự đúng mực có thể từ những việc rất nhỏ như cách sắp xếp bàn học ngăn nắp, đến cách phân chia thời gian biểu trong ngày sao cho hợp lý, đến cách sống khoa học, trung thực, cần cù của người cha người mẹ, đều là tấm gương để con nhìn vào học hỏi. Một người cha thường dạy con trai phải tôn trọng và giúp đỡ phụ nữ, đối xử với bạn gái phải nhẹ nhàng, lịch lãm. Song bài học đó sẽ thấm thía hơn nhiều nếu người con thấy người cha có những cư xử đẹp với mẹ mình. Chẳng hạn, đi làm về thấy vợ mình vừa nấu cơm vừa lau nhà luôn tay chân, ông chỉ cần bảo con trai: “Bố con mình cùng lau nhà giúp mẹ nhé” và cả hai xắn tay áo lên lao vào việc, thì một cử chỉ như thế sẽ là bài học về sự tôn trọng phụ nữ đã truyền dạy cho người con. Và trong thực tế có những ông bố vì làm gương cho con mà bỏ hút thuốc lá, bỏ cả thói quen uống bia rượu nhiều, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ trước mặt con đều cố gắng mẫu mực. Bởi đó là lúc họ nhận ra đứa trẻ cần phải thấy người tốt là người thế nào và hình mẫu ấy không ở đâu xa mà chính là cha mẹ.

Bậc cha mẹ có người đầu tư cho con không tiếc công, tiếc của. Cũng không ít người phải bớt ăn bớt tiêu để có tiền cho con ăn học. Nhưng để tạo nên nhân cách của con, họ gần như phó thác hoàn toàn cho nhà trường. Theo thống kê của Viện Gia đình và Giới thì có tới 10% các bậc cha mẹ hầu như không nói chuyện với con cái mỗi ngày. 1/3 ông bố cho biết dành thời gian nói chuyện với con cái ít hơn 1h/ ngày. Khoảng 20% người cha và 7% người mẹ không có thời gian dành cho con. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt trong tình cảm gia đình. Việc ít có thời gian cho con cái khiến cho con cái không coi cha mẹ là chỗ dựa tinh thần, để chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách đứa trẻ.

Hậu quả của các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo không chỉ là sự rạn nứt trong gia đình, mà còn là nguồn gốc của những biểu hiện tiêu cực trong xã hội như tệ nạn xã hội, văn hoá ứng xử xuống cấp, đạo đức bị coi nhẹ… Sẽ rất thiệt thòi cho những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà những ông bố sa vào rượu chè, nghiện ngập hoặc côn đồ, và họ không có đủ tư cách để dạy con. Không ít đứa trẻ của những gia đình không trọn vẹn này đã bổ sung vào hàng ngũ các học sinh được gọi là “học sinh cá biệt”, và các tội phạm vị thành niên.

Khi con hư, thường nhiều người đổ lỗi là do môi trường xã hội bị ô nhiễm. Nhưng trong thực tế cũng môi trường ấy vẫn có những người con ngoan, học hành đến nơi đến chốn. Cho nên môi trường gia đình rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là các thành viên trong gia đình phải dành thời gian sống bên nhau, giao tiếp với nhau thường xuyên, quan tâm, chia sẻ với nhau. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho tâm lý cá nhân ổn định, giảm tải những căng thẳng trong đời sống thường nhật, lấy lại năng lượng cho các thành viên. Từ đó, các thành viên luôn tìm được hạnh phúc trong chính gia đình của mình. Theo quan niệm truyền thống, một gia đình nền nếp phải duy trì ngày ba bữa cơm và ở đó phải có mặt đầy đủ các thành viên. Còn trong thời hiện đại, khi mọi người đều bận rộn thì bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình như vậy ngày càng mai một. Hạnh phúc gia đình không thể hiện ở đâu xa. Hạnh phúc gia đình được thể hiện qua những việc làm nhỏ nhất, đó là trong cách ứng xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường! Mỗi gia đình phải giữ được nền nếp, gia phong, từ đó góp phần hình thành nên nhân cách con cái hoàn thiện và đúng chuẩn. Cha mẹ yêu thương nhau, quan tâm đến con cái, theo dõi sát sao từng bước tiến của con là nguồn động viên lớn, là chỗ dựa tinh thần tình cảm để các em trưởng thành. Lối sống của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách các em. Khi cha mẹ sống trong sáng, lành mạnh, cần cù thì bản thân điều đó đã là biện pháp giáo dục rất hiệu quả.

Theo thống kê của Viện Gia đình và Giới thì có tới 10% các bậc cha mẹ hầu như không nói chuyện với con cái mỗi ngày. 1/3 ông bố cho biết dành thời gian nói chuyện với con cái ít hơn 1h/ ngày. Khoảng 20% người cha và 7% người mẹ không có thời gian dành cho con.

Nhóm phóng viên