Xuân Diệu với hồn thơ quê hương

Vương Tâm 06/07/2021 10:00

Tôi nhớ mãi chuyến đi về xã Phước Hòa (Tuy Phước-Bình Định) thăm khu Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu. Nhà thơ Xuân Diệu cất tiếng khóc chào đời năm 1916 từ làng chài Gò Bồi. Mảnh đất vạn chài trở thành thị cảng cách đây 400 năm. Thị trấn đông vui khắp mươi làng, ba huyện dân đổ về buôn bán làm ăn. Tàu thuyền ra vào tấp nập.

Nhà thơ Xuân Diệu.

Cái nôi thơ từ vạn Gò Bồi

Có người dân bản xứ đã làm thơ mô tả: "Gò Bồi tiếp biển một dòng sông/ Tôm cá tươi màu thuận gió đông/ Cá thu sắp dãy người chen chúc/ Xuôi ngược thuyền ghe nước mấy dòng". Ngô Xuân Diệu (tên khai sinh của nhà thơ) lớn lên trong khung cảnh dập dìu sông nước ấy. Thân phụ nhà thơ là ông giáo Ngô Xuân Thọ, người làng Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh lang bạt tới đây mở trường dạy học. Người trong nhà thường gọi Xuân Diệu với cái tên thân thương là cậu Bàng. Cậu là quý tử từ cuộc tình của ông giáo Thọ với bà Nguyễn Thị Hiệp ở vạn Gò Bồi này. Duyên tình nảy sinh đằm thắm ngay từ cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai người tại bến cảng sông.

Cho dù nay bến cảng nước mặn Gò Bồi không còn nữa nhưng thị trấn vẫn tập nập như xưa. Bởi những tuyến giao thông đường bộ mở rộng bốn phương hội tụ tạo nên trung tâm thương mại khắp vùng.

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang ở Hội Văn nghệ Bình Định dẫn đường cho tôi kể, tuổi thơ Xuân Diệu được nuôi dưỡng bằng những hạt gạo hạt muối của vạn Gò Bồi đặc quánh hồn xứ Nẫu. Ông được cha dậy dỗ từ nhỏ đến tuổi 13 thì lên thành phố Quy Nhơn nhập trường học. Hơn nữa Xuân Diệu còn được nuôi dưỡng tâm hồn từ những lời ru của mẹ. Đó là những câu hò điệu hát dân gian trên sông Gò Bồi. Đặc biệt bà Nguyễn Thị Hiệp còn sáng tác những câu hò sông nước rất ngọt ngào trong các cuộc thi hát giữa các phường trên vạn sông. Khi đó thầy giáo Ngô Xuân Thọ đại diện cho nhóm con trai hát đối với cô Nguyễn Thị Hiệp đại diện cho các nhóm con gái trong làng. Họ vừa hát vừa xuất khẩu thành thơ. Cuộc thi trong những đêm trăng kéo dài cho tới sáng.

Khi phải rời quê mẹ theo cha lên thành phố Xuân Diệu mang theo tài sản lớn nhất trong tâm hồn mình chính là những lời ru của mẹ. Vì là con vợ lẽ nên Xuân Diệu không có mấy dịp về quê nội. Do vậy sau khi tốt nghiệp thành chung ở Quy Nhơn (1934), Xuân Diệu được cha đưa lên thẳng Hà Nội học. Hai năm sau Xuân Diệu thi tốt nghiệp tú tài phần thứ nhất (1935-1936). Tiếp đó thi sĩ chuyển vào Huế học tú tài phần hai. Tại đây tình bạn giữa Xuân Diệu và Huy Cận nảy sinh và cùng đồng hành trên con đường thi ca. Những thi phẩm của tập thơ đầu tiên "Thơ thơ" của Xuân Diệu nảy sinh từ đây. Hồn thơ được ấp ủ trong thời sinh viên cho tới khi Xuân Diệu cùng Huy Cận ra Hà Nội tiếp tục nhập trường Đại học (1938-1940). Những bài thơ đầu tiên của Xuân Diệu được in trên báo Phong Hóa tạo nên sự khác lạ lớn trong giai đoạn này.

Chàng thi sĩ trẻ được nhóm Tự lực Văn đoàn chú ý. Tập thơ đầu tiên "Thơ thơ" (1938) của Xuân Diệu được nhà thơ Thế Lữ viết đầy cảm xúc: "Thơ thơ là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian. Và từ đây chúng ta đã có Xuân Diệu". Trước khi tham gia cách mạng chàng thi sĩ của "Thơ thơ" cho ra mắt hai cuốn sách nức tiếng thiên hạ. Đó là tập truyện ngắn "Phấn thông vàng" (1939) và tập thơ "Gửi hương cho gió" (1945). Từ đó Xuân Diệu được độc giả yêu quý phong danh hiệu "Ông Hoàng thơ tình". Tuy nhiên nhà thơ luôn nhớ về quê mẹ. Sinh thời nhà thơ thường nói: "Gò Bồi là cái nôi đầu tiên văn học dân gian đã ru tôi ngủ và đánh thức tôi dây với những thương mến bao la của quê hương thứ nhất-Quê mẹ đẻ ra mình..."

Tượng nhà thơ Xuân Diệu.

Ký ức từ ngôi nhà quê mẹ

Khi chúng tôi vào ngôi nhà lưu niệm Xuân Diệu bên sông Gò Bồi hình ảnh đầu tiên là cây hoa sứ trắng do Huy Cận trồng ngay bên trái cổng ra vào. Nhiều tư liệu quý đã được trưng bày trong đó có bức ảnh Xuân Diệu chụp với Huy Cận từ năm 1940. Hoặc tấm ảnh Xuân Diệu chụp với mẹ và gia đình (1943). Kèm theo đó là hàng trăm tư liệu khác tô đậm quá trình hoạt động cách mạng của Xuân Diệu. Ngay trên bàn thờ chính phía bên phải có tư liệu bút tích bài thơ "Chấp nhận" nổi tiếng của nhà thơ. Đó là những câu thơ đầy ám ảnh: "Đã không tránh khỏi thì tôi nhận/Một cách đau thương nhưng ngẩng cao đầu"; hoặc đó là: "Tôi coi trọng nhất khi làm việc/ Họa có thua khi sống với tình".

Sau này ông tập trung dòng thơ ca cách mạng cho đến khi mất (12/1985), và đã viết 450 bài thơ. Trong đó tập thơ "Gửi hương cho gió" được đánh giá cao về mảng thơ tình. Nhà thơ Huy Cận đã từng viết: "Thơ thơ có nhiều chất non tơ, rạo rực thiết tha và hồn thơ trong trẻo. Gửi hương cho gió đằm như than hồng phủ kín lớp tro mỏng và cũng có xen vị đắng cay trong tình đời và tình yêu". Kho tàng văn học của nhà thơ thật đồ sộ với 15 tập thơ, 7 tác phẩm văn xuôi và 17 bộ sách nghiên cứu lý luận phê bình. Bên cạnh đó ông còn có 6 tập thơ dịch qua tiếng Pháp. Nhà thơ Xuân Diệu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (1996).

Chúng tôi đứng quanh ngắm bức tượng đồng chân dung nhà thơ Xuân Diệu. Ai cũng hình dung ra nét tài hoa của thi sĩ hiện lên từ ánh mắt, vầng trán và mái tóc bồng bềnh. Lúc này nhà thơ Trần Thị Huyền Trang nói tới bài thơ đầu tiên về quê mẹ của Xuân Diệu. Đó là bài "Đêm ngủ ở Tuy Phước". Một âm hưởng biển cả hòa chung sóng nước Gò Bồi dào dạt: "Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ/ Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh/ Thức những ngôi sao thức những bóng cành/ Đêm quê thương cái hương của đất". Nhịp thơ như giọng hò vang lên trong tâm tưởng: "Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển cứ nhắc/ Khi mà anh sinh ra/ Anh đã thở hơi nước mắm Gò Bồi". Ngôi nhà cổ cùng cây khế, cái giếng trăm năm in sâu trong ký ức tuổi niên thiếu của nhà thơ Xuân Diệu. Bốn mươi năm hoạt động cách mạng thi sĩ luôn nhớ về Gò Bồi. Ông đã từng viết nhiều bài về quê hương. Nhất là những lần đi nói chuyện thơ bao giờ ông cũng đọc những ca dao, tục ngữ quê nhà để dẫn chứng cho người nghe về nghệ thuật thi ca không thể tách rời dòng văn học dân gian truyền thống. Nhà thơ luôn ước vọng: "Ôi bao giờ, bao giờ/ Ta tắm vào da thịt/ Quy Nhơn về ngụp biển/ Muối đọng ở vành tai" (Nhớ quê Nam).

Những ngôi mộ của hai người mẹ thi nhân

Người trông nom ngôi nhà lưu niệm dẫn chúng tôi ra tới bờ sông Gò Bồi rồi chỉ tay về phía xa cho biết, trên cánh đồng ấy hiện có hai ngôi mộ của hai thân mẫu Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử. Rồi ông kể bà Nguyễn Thị Hiệp năm 1954 tập kết ra Bắc sống với con trai Xuân Diệu. Bà mất năm 1969. Tới năm 1980 mộ bà được con trai thứ hai đưa về cánh đồng Gò Bồi cho tới nay. Ngôi mộ vẫn được con cháu trong làng thắp hương và trông nom chu đáo. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang sực nhớ đến câu thơ mà thi sĩ Xuân Diệu đã viết về mẹ: "Má là nguồn gốc của con/ Má là vạn Gò Bồi Tùng Giản/ Má là sông không cạn, núi không mòn".

Còn ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Duy, mẹ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, cũng được chôn cất ở đây cho dù Gò Bồi không phải quê hương của bà. Từ phương xa về đây làm ăn bà Duy trú ngụ và lận đận bên sông Gò Bồi. Bà đã từng đưa con trai Hàn Mặc Tử về đây chữa bệnh phong. Gò Bồi có ông lang giỏi nhận chữa cho con bà. Nhưng mấy tháng bệnh không giảm, Hàn Mặc Tử đành phải rời xa mẹ về lại trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn) chữa bệnh và mất ở đây. Bà mẹ nhà thơ cũng mất năm 1951 trong sự đau khổ tột cùng và cô đơn trong buồn tủi. Mộ bà được dân vạn Gò Bồi chăm lo tươm tất và bà được coi là người con của quê hương.

Vương Tâm