Sống đẹp
Trong cơn “bão dịch” câu chuyện về 100 ngàn đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 của ông Lê Quang Quỳnh, một người tàn tật ở Quảng Trị cho chúng ta thấy một điều, có nhiều người vẫn sống đẹp ngay cả khi bão giông cuộc đời bủa vây.
Xã hội hiện đại đã khiến cho con người ngày càng “sống nhạt” – đó là nhận xét, đánh giá hay chính là lời than thở của rất nhiều người, trong đó có giới trẻ khi nhìn nhận về xã hội xung quanh. Vì sao họ lại cảm thán như vậy? Chính bởi vì những điều nhìn thấy từ lời nói cho đến việc làm vô tâm, vô thức của một bộ phận người trong xã hội.
Ví như trên một chuyến xe buýt, có nhiều nam thanh nữ tú vẫn dửng dưng với việc người già, trẻ nhỏ phải đứng vì thiếu chỗ ngồi, tệ hơn nếu chẳng may ai đó nhắc nhở thì họ lại quay ra đôi co, cáu gắt…Ví như trong một gia đình, con cái lại thay nhau đối xử tàn tệ với cha mẹ già cả, thậm chí là bạo hành…
Có thể nói, trong xã hội hiện nay, khi những hành vi và lối sống thiếu chuẩn mực vẫn diễn ra đâu đó hàng ngày thì người ta lại càng tha thiết kêu gọi sự tử tế, sống đẹp từ mỗi cá nhân con người. Thật ra sự tử tế đẹp đẽ ấy không cần phải đao to búa lớn, mà có thể xuất phát từ chính những hành động giản dị thường ngày chúng ta bắt gặp.
Ông Lê Quang Quỳnh (56 tuổi, trú tại thôn Phương An, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là một người chịu rất nhiều thiệt thòi. Khi sinh ra ông đã bị khuyết tật ở chân, đến lúc trưởng thành thì bị mù hai mắt, mất một tay do tai nạn bom mìn sau chiến tranh.
Ánh sáng hạnh phúc của cuộc đời ông chính là khi lấy được một người vợ rồi sinh được một cậu con trai, nhưng bóng tối vẫn bao phủ lấy số phận khi mà người vợ đau ốm liên miên, con trai vì bệnh tật mà nay gần 30 tuổi vẫn không có khả năng lao động, phải sống nương nhờ vào sự chăm sóc của bố mẹ.
Ngày qua ngày, ông Quỳnh được một người bạn đồng hành dắt đi bán vé số dạo khắp thành phố Đông Hà để mưu sinh, kiếm tiền gửi về quê nhà nuôi con. Nhưng khi biết Mặt trận kêu gọi toàn dân ủng hộ công tác phòng chống dịch, ông đã quyết định mang 100 ngàn đồng đến tận nhà ông Chủ tịch UBMTTQ huyện Triệu Phong để ủng hộ với một mong mỏi thiết tha, “ tôi hạnh phúc vì được làm một việc có ích cho xã hội”.
Mục đích của cuộc đời mỗi con người là kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải chỉ là đích đến mà là một hành trình. Hành trình đó đã cho chúng ta thấy từ trong câu chuyện cụ thể này. Đó là một người yếu thế trong xã hội, thuộc diện được hỗ trợ nhưng lại sẵn sàng ủng hộ hỗ trợ cho xã hội cộng đồng.
Ông Quỳnh làm việc này không vì một áp lực nào, không phải do ai đó thuyết phục và dẫu rằng những ngày tới đây chưa có gì đảm bảo cuộc sống của ông sẽ bớt khó nhọc hơn hiện tại, nhưng có một điều chắc chắn rằng, trong sâu thẳm suy nghĩ của ông là ý chí muốn tự mình vượt qua khó khăn, muốn chia sẻ khó khăn chung của đất nước và đặc biệt muốn được làm một điều có ích cho xã hội như bao người lành lặn khác.
Hẳn nhiên ông Quỳnh đã rất hạnh phúc khi được làm điều đó. Niềm vui được làm một việc có ích vì xã hội cộng đồng khiến ông hạnh phúc. Quyết định ủng hộ những đồng tiền quý giá từ mồ hôi, nước mắt của mình cho đất nước chống dịch chính là một cách để làm cho đời sống của ông hạnh phúc hơn.
Ông Lê Quang Quỳnh đã sống đẹp ngay cả khi bão giông cuộc đời bủa vây. Trong cuộc chiến với Covid -19 này đã có nhiều người như vậy. Có những người nghèo với thân phận đầy bi kịch nhưng gạt đi nỗi niềm riêng họ vẫn tìm đến Mặt trận để ủng hộ tiền hay kỷ vật quý giá của mình cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Mỗi câu chuyện là một thân phận nhưng mỗi thân phận lại cho chúng ta thấy được giá trị của những nghĩa cử đáng trọng. Để thấy, Lời kêu gọi Toàn dân chung tay ủng hộ phòng chống Covid-19 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chạm đến giá trị tốt đẹp căn bản nhất trong mỗi người, đó là sự tử tế và sẻ chia. Từ đó, mở đầu cho hàng loạt phong trào ủng hộ công tác phòng chống dịch trên toàn quốc trong hơn 1 năm qua.
Điều này giống như một món quà để chúng ta nhìn lại chính mình. Mỗi người một cuộc đời, một số phận, một tính cách nhưng nghĩa cử san sẻ khó khăn với cộng đồng thì chỉ có một vì tất cả đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm công dân và từ niềm tin vào các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và ngành y tế.