Tuổi trẻ mang nhiệt huyết vào tâm dịch
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua hàng nghìn đoàn viên, thanh niên các trường y dược đã xung phong vào tuyến đầu, nơi tâm dịch Covid-19.
Về công việc này, TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, giảng viên, Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam chia sẻ: Việc huy động sinh viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 như lấy mẫu xét nghiệm, truy vết là rất cần thiết.
PV: Đoàn giảng viên và sinh viên của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam vừa có chuyến hỗ trợ Bắc Giang phòng chống dịch Covid-19. Anh có thể khái quát về tình hình dịch bệnh và nhiệm vụ chính của Đoàn?
BS Trần Anh Tuấn: Đoàn chúng tôi gồm 37 thành viên, 3 giảng viên và 34 sinh viên xuất phát từ ngày 27/5 đến tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang trong thời điểm tình hình dịch bệnh tại đây đang ở giai đoạn căng thẳng nhất. Trước khi lên đường chống dịch, các em sinh viên được huấn luyện định kỳ về những kiến thức cần thiết để phòng chống dịch Covid-19 như thao tác lấy mẫu, kỹ năng truy vết, phương pháp mặc, cởi bộ đồ phòng hộ. Bên cạnh đó, Đoàn được Học viện trang bị rất đầy đủ đồ phòng chống dịch như khẩu trang N95, đồ bảo hộ cấp 2, dung dịch sát khuẩn…
Theo nhiệm vụ phân công, đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, những hôm đầu, thú thật là “choáng”, bởi lẽ, khi Đoàn vừa đến thì được đoàn các bác sĩ Quảng Ninh hỗ trợ, hướng dẫn làm việc trong 1 ngày, thời gian còn lại đoàn chúng tôi độc lập làm nhiệm vụ. Các em sinh viên tới tận từng thôn, từng xóm để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, bên cạnh khối lượng công việc rất lớn là sự khắc nghiệt của thời tiết, giữa trời nắng, trong bộ đồ bảo hộ và không có nơi che nắng, mỗi ca làm việc khoảng 5 tiếng, đoàn tôi cũng có một số em sinh viên bị sốc nhiệt, lả đi vì mệt.
Nhiệm vụ nặng nề, thời tiết khắc nghiệt, những người bạn, những người đồng nghiệp xung quanh thậm chí có người đã ngất xỉu. Tâm lý của các sinh viên lúc đó thế nào?
Tâm lý của sinh viên chúng tôi rất tuyệt vời, ngay khi Đoàn vừa tới Việt Yên, các em đã đề xuất với tôi: “Xin thầy liên lạc ngay với địa phương để bọn em được làm nhiệm vụ sớm”. Đương nhiên, việc này không thể làm được vì còn phải phụ thuộc vào kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Nhưng tinh thần lăn xả của các em là rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, các em luôn hăng hái tham gia công việc, không sợ mệt, không ngại nguy hiểm.
Đối với 3 giảng viên dẫn đoàn chúng tôi, thú thật là rất lo lắng cho các em, ở thời điểm đó cũng ghi nhận trường hợp nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19 khi làm nhiệm vụ. Mặc dù cả đoàn đã được đào tạo, tập huấn về chuyên môn rất kỹ càng, nhưng vẫn rất lo. Chúng tôi cũng luôn quán triệt tinh thần với các em là mệt thì phải nghỉ ngơi ngay, không được cố gắng quá sức. Dù vậy, cũng có một vài em quá nhiệt huyết, làm đến khi không thể chịu đựng được mới nghỉ ngơi, cũng có trường hợp bị kiệt sức trong quá trình công tác.
Tuy nhiên, tình trạng đó cũng chỉ xảy ra trong khoảng 2 ngày đầu, những ngày sau đó, phần vì các bạn đều quen với điều kiện thời tiết, cũng như là quen với bộ đồ bảo hộ, phần vì đã quen với thao tác, thành thạo các kỹ năng và có thêm kinh nghiệm nên công việc luôn diễn ra suôn sẻ. Tinh thần nhiệt huyết của các em luôn rất cao và được phát huy tối đa. Các em luôn lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh.
Sau khi trở về Hà Nội, nghĩ lại những ngày đã qua trong tâm dịch thì kỷ niệm nào khiến anh cảm thấy đáng nhớ nhất?
Đối với riêng bản thân tôi, mỗi ngày tại đó đều là kỷ niệm đáng nhớ. Một trong những khung hình in đậm vào tâm trí tôi, đó là hình ảnh những đầm sen tại xã Quang Châu, Bắc Giang. Tôi nhớ khi chúng tôi tới xã Quang Châu làm nhiệm vụ thì tại đó có hơn 2.000 ca dương tính.
Khi chúng tôi đến đây, nhìn thấy những đầm sen rất đẹp, có người dân nói với tôi: Bình thường rất nhiều khách du lịch, các bạn trẻ tới những đầm sen này để tham quan, chụp ảnh, vậy mà giờ đây vắng vẻ, chỉ còn người xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm. Nghe vậy, tôi càng thêm ao ước và có thêm động lực, cố gắng hơn nữa để làm sao góp phần giúp địa phương dập dịch thật nhanh, để trả lại cho người dân khung cảnh vốn có tại nơi đây.
Có những sinh viên tham gia dập dịch về bày tỏ mong muốn được tiếp tục chống dịch tại những tâm dịch khác, các sinh viên của Học viện Y Dược học cổ truyền có tâm tư tương tự không?
Tâm tư đó trong đoàn chúng tôi quá nhiều. Gần đến ngày trở về Hà Nội, các em sinh viên nài nỉ chúng tôi “thầy ơi, thầy xin lãnh đạo nhà trường cho chúng em được ở lại thêm”. Đến khi về đến Hà Nội, các em vẫn hy vọng được tham gia chống dịch tại các địa phương đang có dịch. Các em nói với tôi: “Chúng em luôn sẵn sàng”.
Bên cạnh sự tích cực như anh kể, cũng có một số vấn đề xung quanh việc sinh viên đi hỗ trợ phòng chống dịch. Góc nhìn của anh thế nào?
Đặc điểm của các sinh viên là đầy nhiệt huyết, và nắm bắt việc rất nhanh. Các em nhanh chóng nắm bắt kỹ năng chuyên môn, dễ hoà nhập, và thích ứng mọi hoàn cảnh. Theo tôi, việc huy động các bạn sinh viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 như lấy mẫu xét nghiệm, truy vết là rất cần thiết. Đương nhiên, song song với đó cần huấn luyện, tập huấn thật kỹ cho các em về các kiến thức có liên quan, để bảo vệ an toàn cho chính bản thân các em.
Đối với Đoàn cán bộ, sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang hỗ trợ TP HCM, tôi đã được tiếp xúc khi cùng làm nhiệm vụ tại Bắc Giang, đây là đoàn rất tinh nhuệ, thiện chiến và rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch. Bản thân tôi nghĩ rằng, chống dịch như chống giặc, hơn bao giờ hết chúng ta lại càng phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, không phân biệt lực lượng của đơn vị nào, từ đâu tới, tất cả cần vì mục tiêu chung là nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta nên ủng hộ, động viên tinh thần để các em an tâm hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhất có thể.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!