Yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19: Có lợi bất cập hại?

Thanh Giang 07/07/2021 17:01

Sau một thời gian vắng bóng bệnh nhân vì ai cũng sợ dịch bệnh, 2-3 ngày nay, các bệnh viện trên địa bàn thành phố lại trở nên đông đúc do người dân đổ về làm xét nghiệm Covid-19. Nhiều người lo lắng, nếu tình trạng này tiếp diễn, hiệu quả chống dịch sẽ không đạt được mà nguy cơ lây lan dịch bệnh còn tăng cao, lại tốn kém chi phí của người dân.

Đội nắng hàng giờ để có giấy xét nghiệm Covid-19

Bà Nguyền Thanh Loan, ngụ ở thành phố Thủ Đức cho biết, hàng ngày chị phải đi giao hàng ở thành phố Dĩ An, Bình Dương vì vậy chị phải tranh thủ đi sớm đến Bệnh viện Quân dân miền Đông để làm giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Sợ đông người, chị đến từ sớm nhận phiếu để điền các thông tin cá nhân nhưng hơn 10h mới được lấy mẫu xét nghiệm. Nguyên nhân do số lượng người đến đăng ký lấy giấy xét nghiệm quá đông.

Ông Phan Văn Thành, ngụ phường Long Trường, thành phố Thủ Đức cho biết: “Tôi thấy quy định xét nghiệm này quá tốn kém. Nếu tính mức giá xét nghiệm hiện nay, thì trung bình một tháng tôi mất gần 3 triệu đồng. Tôi tính nhẩm như thế này, giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 3 ngày, vậy một tháng tôi đi 10 lần là tối mất 2,8 triệu đồng tiền xét nghiệm. Chưa kể giá xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác. Tôi buôn bán nhỏ nên lấy công làm lời, còn những tài xế chạy thuê thì tiền xét nghiệm một tháng ngốn hết nửa tháng lương”.

Nhiều bệnh viện đông đúc do người dân đến làm giấy xét nghiệm Covid-19.
Nhiều bệnh viện đông đúc do người dân đến làm xét nghiệm Covid-19.

Không chỉ người dân có nhu cầu đi đến các tỉnh phải xếp hàng dài dưới nắng gắt để có giấy xét nghiệm âm tính, người dân tại thành phố khi đi khám bệnh trong các bệnh viện cũng mất thêm chi phí 300 -700 ngàn đồng để làm giấy xét nghiệm trước khi vào bệnh viện.

Bà Hồ Thị Lý (quận Bình Thạnh) cho biết, chiều ngày 5/7, đưa con trai đi khám bệnh ở một phòng khám tư nhân gần nhà. Tuy nhiên, để được khám bệnh cho con, bác sĩ yêu cầu bà Lý cho xem giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Trường hợp không có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, phòng khám không nhận bệnh nhân.

“Để có thể đưa con đi khám bệnh, tôi chạy khắp nơi những chỗ nào cũng đông nghẹt người. Tình hình dịch bệnh đang phức tạp mà người dân xếp hàng chờ đợi ở nơi đông tôi thấy nguy cơ bị lây nhiễm quá, vì cũng có thể người đứng bên cạnh mình đang là F0”, bà Lý lo lắng.

Tốn tiền mà hiệu quả không cao

Theo các bệnh viện, hiện nay nhiều nơi đã bố trí một khu vực riêng để làm test nhanh tránh tình trạng tụ tập đông người bệnh cạnh khu xét nghiệm chính trong các bệnh viện. Khi đến lấy giấy xét nghiệm, bệnh viện cũng phát phiếu có ghi giờ hẹn đến lấy mẫu để người dân đến theo giờ. Tuy nhiên, do lượng người dân đến quá đông, vì vậy có thời điểm gần như không kiểm soát nổi.

Nhằm giảm tải cho các bệnh viện liên quan đến việc lấy giấy xét nghiệm, thành phố Thủ Đức chỉ đạo, Bệnh viện TP Thủ Đức phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Lê Văn Việt triển khai thực hiện 3 điểm xét nghiệm Covid-19 có thu phí này từ ngày 7/7.

Đại diện Bệnh viện thành phố Thủ Đức khẳng định, lợi ích của việc người dân tự đi tầm soát để có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính sẽ giúp giảm áp lực cho việc xét nghiệm tại cộng đồng. Mặt khác, việc tự đi tầm soát còn giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng để có phương án truy vết, ngăn chặn dịch sớm hơn”.

Nói về hiệu quả xét nghiệm để có tờ giấy thông hành đi đến một số tỉnh cũng có nhiều ý kiến trái chiều. “Quy định có giấy chứng nhận ko mắc Covid-19 để đến các tỉnh, tuy nhiên tôi thấy y tế người ta thông tin, một lần test nhanh âm tính cũng chưa thể khẳng định được. Thậm chí, có trường hợp nhiều F1 hoặc phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau mấy lần thực hiện xét nghiệm. Có thể ban đầu lượng virus chưa đủ nhiều”, ông Phan Văn Thành nêu quan điểm.

Lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi tụ tập đông người đễ chờ đợi làm giấy xét nghiệm
Lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi tụ tập đông người đễ chờ đợi làm giấy xét nghiệm.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), về lý thuyết nếu xét nghiệm đúng âm tính chỉ nói từ khi xét nghiệm trở về trước là không lây, còn ngay sau đó vẫn có thể chuyển sang dương tính bất cứ khi nào.

“Nếu nói việc người có kết quả xét nghiệm âm tính có thể tự do đi lại trong vài ngày là không chính xác. Chưa kể, giấy xét nghiệm có nơi cho thời hạn 3 ngày, có nơi nói thời hạn 7 ngày, trong khi đó theo quy định của nhà quản lý, cao nhất 2 ngày cũng chỉ cho là an tâm, chứ không nói đến 3 -7 ngày”, ông Khanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, vấn đề quan trọng nhất để đảm bảo công tác phòng dịch không phải là xét nghiệm. Suốt quá trình đi lại, giao hàng giữa các tỉnh - thành, người dân cần phải thực hiện nghiêm việc 5K và đặc biệt khi giao hàng cũng phải đảm bảo an toàn khi tiếp xúc.

Đại diện Trung Tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho rằng, khi có nhu cầu rời khỏi thành phố, cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, người dân có thể liên hệ các bệnh viện để được xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc phòng xét nghiệm của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính chỉ có tác dụng chứng nhận ở thời điểm đó, nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, nguy cơ trở thành F0 luôn thường trực. Vì vậy, dù có kết quả xét nghiệm âm tính, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Thanh Giang