Loay hoay xây dựng nông thôn mới nâng cao
Mặc dù đã có nền tảng cơ bản khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng khi có chủ trương về xây dựng NTM nâng cao, nhiều địa phương tại tỉnh Thanh Hoá đang phải loay hoay tìm cách tháo gỡ những khó khăn do những tiêu chí mới đặt ra. Câu chuyện xây dựng NTM nâng cao tại xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn) là một ví dụ.
Nhiều tiềm lực…
Được lựa chọn là một trong 8 xã của huyện Triệu Sơn, và 117 xã của tỉnh Thanh Hoá đi lên xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015; sau 4 năm bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, xã Vân Sơn đã đạt những kết quả to lớn, hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Phát huy lợi thế này, những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ - thương mại. Cùng với đó, trên địa bàn xã có hơn 900 ha đất lâm nghiệp và xã đang tập trung chỉ đạo các hộ thực hiện khoanh nuôi, tái sinh rừng phòng hộ; phát triển rừng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi 30 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp sang trồng đào phục vụ nhu cầu của khách hàng dịp Tết Nguyên đán, doanh thu cao hơn trồng lúa khoảng vài chục lần.
Ngoài ra, trên địa bàn xã, các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: cá - lúa, trang trại trồng cây ăn quả... Hiện trên địa bàn có 2 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo việc làm cho khoảng 1.700 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 500 lao động là người của xã... Thu nhập bình quân đầu người của xã Vân Sơn năm 2020 đạt 41,5 triệu đồng và năm 2021 phấn đấu đạt 48 triệu đồng... Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, Vân Sơn đã có thêm điều kiện để huy động nguồn lực xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Nhưng không dễ
Sau khi được lựa chọn để xây dựng NTM nâng cao kiểu mẫu của huyện Triệu Sơn, xã Vân Sơn đã khẩn trương rà soát 15 tiêu chí triển khai xây dựng. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả.
Vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông liên thôn, bảo đảm chiều rộng mặt đường tối thiểu 4 m trở lên, kiên cố đường giao thông nội thôn, giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống thoát nước các tuyến đường giao thông; chỉnh trang, xây dựng mới nhà văn hóa xã và các thôn.
Xã cũng phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư hệ thống cấp nước sạch đến từng hộ dân... Kinh phí dự kiến để đưa Vân Sơn hoàn thành mục tiêu là hơn 20 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách xã và nhân dân đóng góp.
Nhìn vào những con số nêu trên, ai cũng có thể nghĩ, việc đưa xã cán đích NTM nâng cao chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, qua những tâm tư của ông Lê Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, chúng tôi biết rằng điều này là không hề đơn giản. Thậm chí Vân Sơn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn không dễ khắc phục trong ngày một, ngày hai.
Theo ông Thành, xã đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn nhất khi xây dựng NTM nâng cao là nước sạch, vườn mẫu và nguồn kinh phí.
Với tiêu chí nước sạch: Hiện tại, có tới 90% người dân của xã vẫn đang dùng nước từ các giếng khoan và giếng khơi. Xã đã nhiều lần đấu mối, đốc thúc nhà máy nước sạch đứng chân tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn khẩn trương lắp đặt đường ống vào khu dân cư để cung cấp nước sạch cho người dân. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công ty nước sạch mới chỉ kéo được đường ống chính đến đầu xã mà chưa thể tiếp tục đưa đường nhánh vào các khu dân cư.
Trong khi đó, nhà máy nước sạch này vẫn đang nằm trong quá trình xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc chưa biết đến khi nào người dân mới có được nước máy để sử dụng.
Với tiêu chí vườn mẫu tại các khu dân cư: Theo tiêu chí mới, trong mỗi khu dân cư phải đạt được 30% các vườn hộ có vườn được quy hoạch sạch đẹp từ 500 m2 trở lên. Tuy nhiên, với Vân Sơn, nếu cố gắng lắm thì toàn xã cũng chỉ vận động xây dựng được khoảng 50 hộ đạt chuẩn. Nguyên nhân chính vẫn là do các hộ không có đủ diện tích đất để làm vườn mẫu.
Điều cuối cùng mà ông Thành lo lắng nhất vẫn là nguồn kinh phí để đưa xã về đích theo dự kiến. Như đã nói, để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, Vân Sơn phải huy động được hơn 20 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ đối với một xã đã dồn toàn lực để về đích NTM.
Trong khi đó, ở “chiến dịch” lần này, Vân Sơn chỉ được Nhà nước hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, phần còn lại, địa phương phải tự xoay sở. Để giải bài toán này, xã chỉ còn cách duy nhất là lên kế hoạch bán đất. Theo tính toán của ông Thành, nếu bán được 400 lô đất ở theo chủ trương của năm 2021, sau khi nộp về ngân sách nhà nước, xã sẽ đủ kinh phí để bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là việc “đếm cua trong lỗ” vì đến thời điểm này xã vẫn chưa bán được một mét đất nào.
“Rất nhiều khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt và vượt qua khi thời gian đếm ngược theo hạn định chỉ còn khoảng 6 tháng. Hiện nay, toàn Đảng bộ và nhân dân đang nỗ lực, dồn sức để làm nhưng để về đích theo kế hoạch là rất khó”, ông Thành giãi bày.