Học… lễ bái

Tinh Anh 08/07/2021 06:34

Ai cũng biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thờ Khổng Tử, được coi là “trường đại học” đầu tiên của nước ta, biểu tượng nền khoa cử phong kiến. Vì thế, từ rất lâu các sĩ tử thường có tâm lý đến chiêm bái trước khi đi thi để tỏ lòng tôn kính, hiếu học. Song, tới thời hiện đại này, truyền thống tốt đẹp đó đang có biểu hiện biến tướng thành hành vi mê tín dị đoan.

Cứ mỗi dịp trước kỳ thi cử (thi vào THPT, tốt nghiệp THPT, thi đại học, tốt nghiệp đại học...), nhiều nam thanh nữ tú lại tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám để hành lễ, không phải với sự tôn kính tỏ lòng hiếu học, mà với mong muốn... “chống trượt”. Họ tin rằng càng thành tâm khấn vái, lễ càng “hậu”, xác suất đỗ càng cao.

Không ít học sinh, sinh viên không ở Hà Nội nên không thể đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thì tìm đến các đền, miếu khác xì xụp vái lạy để mong các thánh ban phúc đặng hanh thông trong kỳ thi, sát hạch. Đáng tiếc, thay vì định hướng cho con trẻ rằng thực tài, thực học mới là mấu chốt của vấn đề đỗ hay trượt, không ít bậc phụ huynh không những không ngăn cấm việc đi lễ, mà còn tỏ ra khuyến khích con em mình mê tín dị đoan.

Thậm chí còn có tờ báo đăng bài “Văn khấn Văn Miếu - Quốc Tử Giám” để “câu” lượng truy cập của các sĩ tử. Rất nhiều bậc phụ huynh bất bình, thậm chí phẫn nộ, đặt vấn đề vì sao một cơ quan báo chí lại có thể câu view, câu like bằng việc nhồi nhét mê tín dị đoan vào đầu con trẻ.

Nói như vậy không có nghĩa các sĩ tử và phụ huynh đi lễ bái tại đình, chùa, miếu, mạo là sai. Việc lễ bái để tỏ lòng thành kính đối với các bậc hiền nhân, hay thể hiện lễ nghĩa, sự tôn kính với thành hoàng làng là điều đáng quý. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc đi lễ ở đình này, miếu kia là để chắc chắn thi đỗ, không bị “trượt vỏ chuối”.

Việc thi, sát hạch đỗ hay trượt đều phải trông cậy vào thực học của mỗi sĩ tử. Nếu một học sinh lười học, ham chơi thì có lễ bao nhiêu cũng vô ích, không có “thánh” nào “ban” cho đỗ được. Đổi lại là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, kiến thức đầy ắp trong đầu, thì dù có không đi lễ bái ở bất cứ đình, chùa, miếu, mạo nào cũng không thể... trượt.

Đáng buồn là không ít phụ huynh không nghĩ như vậy mà luôn trông mong sự “phù hộ” của các “thánh” cho các cuộc thi cử của con em mình. Không chỉ nghĩ vậy, họ còn khuyến khích, nhồi nhét tư tưởng mê tín dị đoan đó vào đầu con em mình, để rồi các cháu thay vì cố gắng học hành, lại đặt cược tương lai vào may rủi của sự cầu cúng.

Nhiều sĩ tử và các bậc phụ huynh thậm chí còn mê muội đến mức, trước khi đi thi không được ăn đỗ đen, không được ăn chuối, vì như vậy sẽ đen, sẽ trượt vỏ chuối. Còn trứng vịt lộn thì sẽ khiến thí sinh làm lộn đề, xôi lạc sẽ làm cho sĩ tử làm lạc đề, ăn mít thì mít đặc, ăn mực thì xui xẻo... Tóm lại là sĩ tử sẽ phải kiêng đủ thứ chỉ để... thi đỗ.

Cách đây chưa lâu, tôi cười không ngậm được miệng khi chứng kiến bà chị họ không chỉ đe đứa con trước khi đi thi phải kiêng khem các món kể trên, còn phải chịu khó ăn các món như xôi gấc, xôi đỗ xanh... để đỏ, để chắc chắn đỗ. Không chỉ vậy, bà chị còn dẫn cháu đi lễ bái ở nhiều đình, chùa, lấy thẻ xăm với mong muốn kỳ thi đại học suôn sẻ.

Cuối cùng thì sao? Khi có kết quả thì đứa con bà chị tôi điểm rất thấp, thậm chí còn cách xa điểm chuẩn của những trường ở tốp dưới. Cả nhà vừa buồn vì kết quả thi của cháu thấp không vào được đại học, nhưng lại vui vì sau “phi vụ” đó, chị tôi thực sự sáng mắt ra, không còn tin một cách mù quáng vào sự ban phát thông minh của thánh thần nữa.

Lấy ví dụ từ câu chuyện của đứa cháu trai con bà chị tôi để thấy rằng, không có thánh thần nào có thể “nhồi” kiến thức vào đầu của các sĩ tử. Sự thông minh vốn là bẩm sinh, hoặc được rèn luyện qua năm tháng, chứ không phải đi lễ bái mà có được. Khi mà trong đầu rỗng tuếch không có tí kiến thức nào thì có lễ gì cũng không thể đỗ đạt được.

Họa chăng có một vài sĩ tử “may mắn” vì quay cóp được bài của bạn, xem trộm tài liệu do sự dễ dãi của các giám thị coi thi mới có thể thi đỗ. Hay có sĩ tử đạt điểm cao không phải do đã đi lễ bái, mà do phụ huynh đã dùng quyền thế hoặc bỏ tiền bạc ra mua bán, gian lận điểm. Chẳng phải thực tế đã xảy ra những vụ việc nổi đình đám đó sao?

Vậy nên, thay vì đi học lễ bái ở đình, chùa, miếu, mạo, mỗi sĩ tử cần tập trung vào học hành để trau dồi kiến thức. Chỉ có vậy mới có thể tự tin, đĩnh đạc bước vào các kỳ thi, sát hạch, mà không phải run sợ. Các bậc phụ huynh thay vì khuyến khích con em mê tín dị đoan, hãy dành thời gian dạy bảo, khuyên nhủ các cháu chăm lo học hành. Vì rằng, có công mài sắt thì mới có ngày nên kim!

Tinh Anh