Quốc tế lên án vụ ám sát Tổng thống Haiti
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian đã lên án "vụ ám sát hèn hạ" Tổng thống Jovenel Moise, đồng thời nhấn mạnh phải đưa tội ác này ra ánh sáng.
Ông Jovenel Moise, 53 tuổi, là Tổng thống thứ 42 của Haiti. Ông nhậm chức từ năm 2017 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2016.
Tổng thống Moise từng bị phản đối dữ dội lúc ông nhậm chức vào năm 2017. Hồi đầu năm nay, ông Moise đã cáo buộc có một nhóm lên kế hoạch đảo chính muốn ám sát ông và khơi mào các cuộc biểu tình. Ông sau đó đã ra lệnh bắt giữ 23 người, bao gồm 1 thẩm phán tòa án tối cao và một quan chức cảnh sát cấp cao.
Ngày 7/7, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho biết ông bị "sốc" về vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise và cảnh báo điều này có thể gây mất ổn định hơn nữa cho quốc gia Caribe này.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Borell nhấn mạnh: "Tội ác này có nguy cơ gây mất ổn định và vòng xoáy bạo lực. Phải tìm ra thủ phạm của vụ ám sát này và đưa ra công lý".
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian đã lên án "vụ ám sát hèn hạ" Tổng thống Jovenel Moise, đồng thời kêu gọi người dân Haiti bình tĩnh.
Ông Le Drian nhấn mạnh phải đưa tội ác này ra ánh sáng trong bối cảnh tình hình chính trị và an ninh ở Haiti đang xấu đi.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án vụ ám sát Tổng thống Moise và kêu gọi toàn bộ người dân Haiti duy trì trật tự dựa trên hiến pháp.
Trong thông cáo phát đi ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án hành động ám sát Tổng thống Moise và bày tỏ hy vọng Đệ nhất phu nhân Haiti sớm bình phục. "Nước Mỹ gửi lời chia buồn đến nhân dân Haiti, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ để đảm bảo an toàn, an ninh cho Haiti", chủ nhân Nhà Trắng cho biết.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bình luận trên Twitter: "Tôi vô cùng sốc và lấy làm tiếc về sự ra đi của Tổng thống Moise. Xin gửi lời chia buồn đến gia đình ông và người dân Haiti. Đây là một hành động man rợ và tôi kêu gọi sự bình tĩnh vào lúc này".
Lãnh đạo các nước như Pháp, Canada, cũng gửi lời chia buồn đến nhân dân Haiti và lên án vụ tấn công.
Vụ ám sát diễn ra trong bối cảnh Haiti rơi vào tình trạng bất ổn chính trị xã hội, khủng hoảng kinh tế sâu sắc, bạo lực băng đảng gia tăng nghiêm trọng ở thủ đô Port-au-Prince. Thực trạng này xảy ra khi Haiti vẫn đang cố gắng phục hồi sau trận động đất kinh hoàng năm 2010 và cơn bão Matthew xảy ra vào năm 2016, khiến bất bình ngày càng gia tăng với chính quyền của ông Moise.
Haiti ban bố tình trạng khẩn cấp sau vụ Tổng thống bị ám sát
Haiti sẽ đóng toàn bộ biên giới và thực hiện thiết quân luật để tránh đất nước rơi vào hỗn loạn sau khi Tổng thống bị ám sát.
Haiti đang đối mặt với chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực và đã có những lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng. Bạo lực trên đường phố Haiti ngày càng tăng do tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị. Hàng nghìn người ở Port-au-Prince buộc phải di dời và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Haiti.
AFP đưa tin, Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph ngày 7/7 ban bố "tình trạng phong tỏa" ở Haiti không lâu sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát. Ông Joseph cho biết, quyết định này được đưa ra tại cuộc họp bất thường của hội đồng bộ trưởng diễn ra vào sáng ngày 7/7 theo giờ địa phương.
Theo luật pháp Haiti, nước này quy định 3 mức khẩn cấp, đầu tiên là "tình trạng khẩn cấp", tiếp đến là "tình trạng phong tỏa" và cuối cùng là "tình trạng chiến tranh". Tình trạng phong tỏa nghĩa là Haiti sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới, tạm thời áp đặt thiết quân luật với việc quân đội và cảnh sát sẽ thực hiện quyền hành pháp.
Phát biểu trên truyền hình trước toàn dân, ông Joseph kêu gọi người dân bình tĩnh và tuyên bố sẽ buộc những kẻ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và tôi rất tiếc khi phải thông báo với các bạn về việc Tổng thống bị ám sát. Tôi và toàn bộ bộ trưởng đã trao đổi liên tục kể từ khi vụ việc xảy ra và tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta sẽ buộc những kẻ ám sát tổng thống phải chịu trách nhiệm. Hãy bình tĩnh và để giới chức năng làm công việc của mình. Chúng tôi không muốn đất nước rơi vào hỗn loạn. Đây là một ngày đau buồn với đất nước và nhân dân ta", ông Joseph nói.
Trước đó, Tổng thống Moise bị một nhóm biệt kích có vũ trang bắn tử vong ngay tại nhà riêng vào khoảng 1h sáng ngày 7/7. Phu nhân của ông Moise, bà Marie Etienne Joseph, cũng bị bắn trọng thương và đang được cấp cứu tại bệnh viện. Một số thông tin nói rằng, bà Martine cũng đã tử vong vì vết thương nghiêm trọng, tuy nhiên hiện chưa có xác nhận chính thức nào từ giới chức Haiti.
Sau vụ việc này, quân đội và cảnh sát Haiti đã tăng cường an ninh tại thủ đô Port-au-Prince, trong đó có khu vực tư dinh của Tổng thống và bệnh viện nơi Đệ nhất phu nhân điều trị.
Thủ tướng Joseph cho biết, hiện ông tạm thời nắm quyền điều hành đất nước. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm ông Moise.
Theo đạo luật kế nhiệm tổng thống ở Haiti, chánh án Tòa án Tối cao sẽ kế nhiệm khi Tổng thống không thể đảm nhiệm công việc điều hành đất nước. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án Tối cao Haiti Rene Sylvestre vừa qua đời gần đây do Covid-19.
Để kế nhiệm Tổng thống Moise, ông Joseph phải có được quốc hội phê chuẩn nhưng hiện tại Haiti vẫn hoạt động trong tình trạng không có quốc hội do cuộc tổng tuyển cử năm 2018 bị trì hoãn.
Ông Jean Wilner Morin, Chủ tịch hội thẩm phán quốc gia Haiti, cho biết năm 2015 từng có một tiền lệ Chủ tịch Quốc hội được nắm quyền điều hành đất nước khi khuyết vị trí lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại, Haiti cũng không có ai đảm nhiệm chức vụ này. Theo ông Morin, do 1/3 Thượng viện vẫn còn hoạt động nên có thể lãnh đạo Thượng viện Joseph Lambert có thể sẽ được lựa chọn kế nhiệm ông Moise.