Phó Chủ tịch TP HCM: Giãn cách để chặn dịch bệnh, mong người dân chia sẻ
"Giãn cách xã hội là để các hoạt động chậm lại, để có thêm thời gian đuổi kịp và vượt lên, chặn đứng dịch bệnh. Chúng tôi rất mong người dân chia sẻ!", Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói.
Chiều 8/7, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo thông tin về việc triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn địa bàn. Buổi họp diễn ra trước thời điểm TP HCM bắt đầu giãn cách xã hội ít vài giờ.
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố đã có phương án tạm ngừng hoạt động đối với một số khu công nghiệp, khu chế xuất hay chưa, trường hợp dịch Covid-19 lây lan mạnh.
Dịch bệnh tại khu chế xuất, khu công nghiệp trong tầm kiểm soát
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã xuất hiện những trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một điểm may mắn, những trường hợp này tập trung ở các phân xưởng, số ca nhiễm nằm trong tầm kiểm soát của thành phố.
"Biến chủng virus của đợt bùng phát dịch lần này có đặc tính lây lan nhanh và mạnh. Môi trường làm việc kín, không gian chật hẹp dễ làm sự lây nhiễm diễn ra. Các doanh nghiệp đã ý thức được điều đó và tổ chức các phương án sản xuất an toàn, trong đó có khâu cục bộ hóa quy trình sản xuất, tránh để dịch lây lan ra bên ngoài", ông Dương Anh Đức chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM thông tin, thực tế nhiều doanh nghiệp đã được yêu cầu dừng hoạt động vì không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Khi muốn hoạt động trở lại, những đơn vị này cần cải thiện điều kiện làm việc, sản xuất, kinh doanh.
Đối với việc kiểm tra, giám sát sự tuân thủ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ tự đánh giá. Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cùng các tổ liên ngành của TP HCM sẽ thẩm định lại một lần nữa.
Theo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 do UBND TP HCM ban hành, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Ban Quản lý khu Công nghệ cao và Công ty Công viên phần mềm Quang Trung, cần nêu cao tinh thần vừa chống dịch, vừa sản xuất, chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch.
UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị khẩn trương thẩm định cho các doanh nghiệp đã đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất. Tổ Covid-19 tại các doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hướng dẫn công nhân, người lao động các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngoài ra, việc xét nghiệm nhanh cho công nhân cần được triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả mua test nhanh và làm xét nghiệm hàng tuần. Các nhà xưởng, nhà kho chưa sử dụng cần được rà soát để làm nơi cách ly tạm thời cho các F0, F1.
Ai chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch Covid-19?
Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi với Phó Chủ tịch UBND TP HCM về việc ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra bùng, phát dịch Covid-19, thời gian tới?
Ông Dương Anh Đức cho hay thành phố đã quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nếu để xảy ra bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, trong mỗi sự việc cần xem xét cả khía cạnh khách quan và chủ quan.
"Nếu sao nhãng, vô trách nhiệm khiến bùng phát dịch thì phải xử lý. Thời điểm xử lý cũng phải cân nhắc hợp lý vì trong quãng thời gian căng thẳng để chống lại dịch bệnh, thành phố cũng cần các nguồn lực để thực hiện các biện pháp", Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP HCM cũng kêu gọi người dân cảm thông trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Trong quãng thời gian này, thành phố chỉ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến, trừ một số trường hợp đặc biệt.
"Việc giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng phần nào đến quá trình giải quyết hồ sơ của người dân. Tuy nhiên, bản chất của việc giãn cách xã hội là để các hoạt động chậm lại, để có thêm thời gian đuổi kịp và vượt lên, chặn đứng dịch bệnh. Chúng tôi rất mong người dân chia sẻ trong bối cảnh các lực lượng của thành phố cần thực hiện song song 2 nhiệm vụ là chống dịch và duy trì các hoạt động khác", ông Dương Anh Đức kêu gọi.
Việc giãn cách toàn TP HCM theo Chỉ thị 16 được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, công bố tối 7/7.
Từ 0h ngày 9/7, toàn thành phố sẽ thực hiện nghiêm quy tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và thành phố Thủ Đức cách ly với quận - huyện và thành phố Thủ Đức.
UBND TP HCM đề nghị tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các khu chợ cần tạm thời đóng cửa và áp dụng các biện pháp khắc phục nếu không đảm bảo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Đại lý bán vé số và bán vé số dạo trên địa bàn cần tạm dừng hoạt động. Dịch vụ ăn uống mang về cũng không được hoạt động trong 15 ngày tới.
Bên cạnh đó, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy bao gồm xe ôm truyền thống và công nghệ cũng được yêu cầu tạm ngừng. Các bến đò ngang sông, bến thủy nội địa ngừng vận chuyển khách.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh TP HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các tỉnh thành do dịch Covid-19.
Tính đến nay, hơn 8.500 bệnh nhân mắc Covid-19 tại thành phố đã được Bộ Y tế công bố.