Cần sớm có sách lược 'hậu giãn cách xã hội'

THÀNH LUÂN (thực hiện) 09/07/2021 10:30

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, thành phố cần một tổ tham mưu, gồm đại diện lãnh đạo sở ngành, quận huyện nghiên cứu, hiến kế ngay sách lược cho giai đoạn “hậu giãn cách xã hội”.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh.

PV: Tại sao TP HCM cần phải tính toán đến các giải pháp của 15 ngày sau, dù thời điểm giãn cách mới chỉ vừa bắt đầu, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Cho đến trước đợt giãn cách này thì TP HCM đã bước sang ngày thứ 72 của làn sóng dịch thứ tư với ngày thứ 38 giãn cách xã hội. Rõ ràng thành phố đang phải đối phó với những khó khăn dịch bệnh chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Dù đã triển khai một loạt các Chỉ thị (15, 16), kể cả tự thành phố ban hành một chỉ thị riêng (Chỉ thị 10) để kiểm soát dịch Covid-19, nhưng đến nay chính quyền thành phố vẫn chưa thể kiểm soát triệt để.

Do đó, đợt giãn cách tiếp theo này đương nhiên là việc bất khả kháng, trong khi tìm kiếm các sách lược tiếp theo. Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo thành phố cũng đang suy nghĩ đến tình huống giải pháp kể từ cuối tháng 7 tới, khi hiệu lực giãn cách lần này hết chấm dứt.

Cho đến đợt giãn cách này (bắt đầu từ 0h hôm nay 9/7), TP HCM cũng đã trải qua nhiều ngày giãn cách rồi. Thực tế, không ít người dân vẫn chưa nắm được hết các quy định của Chỉ thị 16 sẽ được thành phố áp dụng thế nào, trong bối cảnh là Chỉ thị 10 vẫn còn triển khai đối với nhiều lĩnh vực và phạm vi hạn chế trước đó?

-Đương nhiên thành phố sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trong điều kiện đan xen với các quy định của Chỉ thị 10, một chỉ thị mang nhiều dấu ấn của riêng TP HCM. Báo chí, truyền hình cũng đã đưa nhiều về Chỉ thị 16 là thế nào rồi, tôi xin không nhắc lại hết. Mấy điểm đáng chú ý là người dân vẫn phải ở nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; mọi người không được tụ tập hai người ngoài công sở, trường học, bệnh viện; dừng việc di chuyển đến các địa phương khác hoặc các vùng có dịch, ngoài ra cơ bản dừng các hoạt động về vận chuyển hành khách công cộng. Về sự khác biệt thế nào, rõ ràng rằng việc tạm dừng hoạt động 3 chợ đầu mối từ mấy ngày qua đã gây ra những phản ứng tức thời trong nhân dân thành phố. Điển hình như là việc người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua tích trữ hàng hóa, lương thực thực phẩm…

Đến nay 3 chợ đầu mối lớn nhất thành phố đều phải tạm dừng hoạt động để kiểm soát dịch. Điều này chắc chắn là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thị trường tiêu dùng, buôn bán sỉ và lẻ trong 15 ngày tới đây. Ông dự báo như thế nào về việc này?

-Thực ra thì chúng ta đều là công dân TP HCM và đều đã trực tiếp cảm nhận về những bất tiện và khó khăn ấy rồi. Không riêng về hàng tiêu dùng, thông thương hàng hóa lương thực, thực phẩm, mà tới đây sẽ còn nhiều khó khăn khác nữa.

Chiều 8/7, tôi nghe Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ban hành thêm chỉ thị để hướng dẫn chi tiết hơn về 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo của TP HCM, bắt đầu từ 0h sáng 9/7.

Đó là thành phố sẽ cấm các hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo; tạm dừng các dịch vụ bán đồ ăn mang về…Điều này sẽ rất khó khăn cho những người nghèo, người yếu thế vốn dựa chủ yếu vào buôn bán nhỏ, bán vé số dạo…

Tối hôm trước thì xe ôm truyền thống, grab hai bánh cũng sẽ ngừng trong thời gian giãn cách xã hội, như vậy sẽ là rất khó khăn cho hoạt động thông thương hàng hóa nói chung và các nhu cầu đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, lẫn sinh hoạt tối thiểu về tiêu dùng hàng ngày của người dân.

Ông đã cho rằng chính quyền thành phố cần có một tổ tư vấn, tham mưu cho lộ trình tiếp theo sau khi kết thúc đợt giãn cách thứ ba này. Đó sẽ là những nội dung gì, thưa ông?

-Tôi cũng đã nói, chắc chắn chính quyền thành phố cũng đang có những tính toán và yêu cầu tham mưu từ các sở, ngành và quận, huyện, kể cả xin ý kiến từ Bộ ngành và Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của trung ương. Trước hết, những giải pháp này chắc chắn phụ thuộc vào kết quả, tiến độ, kỳ vọng từ việc thực hiện Chỉ thị 16.

Theo như thông tin mà tôi có được thì hiện nay thành phố đang có hai nhóm nghiên cứu gồm: Nhóm nghiên cứu của ĐH Fulbright do TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, làm trưởng nhóm và nhóm nghiên cứu thứ hai (Tech4Covid) do tiến sĩ Đinh Bá Tiến - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, làm trưởng nhóm.

Cả hai nhóm này đều đánh giá dịch Covid-19 ở TP HCM đạt đỉnh trong đầu tháng 7 và bắt đầu chu kỳ đi xuống, nếu thực hiện tốt việc giãn cách theo Chỉ thị 10 của thành phố. Và, nếu như vậy thì cũng vừa đủ thời gian mà TP HCM kết thúc đợt giãn cách xã hội vừa bắt đầu từ 0 giờ hôm nay (9/7) kéo dài đến tuần thứ 4 của tháng 7. Chúng ta đều rất kỳ vọng từ tháng 8 TP HCM bước vào giai đoạn khống chế, đẩy lùi dịch.

Lúc này, tôi cho rằng việc bao phủ tiêm chủng vaccine đạt ít nhất 40-50%. Khi dịch giảm dần, chúng ta sẽ cho hoạt động trở lại các lĩnh vực thiết yếu, hồi phục kinh tế và ổn định cuộc sống thường nhật của nhân dân thành phố.

Trân trọng cảm ơn ông!

THÀNH LUÂN (thực hiện)