Điêu đứng vì dịch bệnh, người lao động trông chờ hỗ trợ từ Chính phủ
Trung bình mỗi năm có hàng vạn lao động từ các tỉnh đổ về TP Hà Nội để làm việc tại các KCN, KCX, lao động tự do. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, lo sợ dịch bệnh và việc làm ít dần, nhiều người đã trở về quê hương, số còn lại rơi vào cảnh không có công ăn việc làm, hứng chịu nỗi lo miếng cơm manh áo sống qua ngày.
Thu nhập của người lao động xuống dốc, khó khăn chồng chất.
Theo thống kê, đại dịch Covid-19 thời gian qua đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của những người lao động, số ca dương tính là công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh căng thẳng, kéo theo hầu hết các nhà máy, phân xưởng đều buộc phải cho công nhân nghỉ luân phiên, nguồn nhập nguyên liệu rất khó khăn, đồng thời sản phẩm làm ra cũng rất khó tiêu thụ…
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, kéo theo công việc thu nhập của người lao động bị giảm sút. Trong mùa dịch bệnh, tất cả học sinh đều phải ở nhà để bảo đảm an toàn, điều này cũng khiến không ít công nhân lao động phải đau đầu giải bài toán làm thế nào để vừa có thời gian trông con vừa bảo đảm công việc để có thu nhập.
Chị Thoa, công nhân Công ty TNHH Canon - Việt Nam tranh thủ giờ nghỉ trưa vội vã về dọn dẹp nhà, lo cơm nước cho 2 con nhỏ. Chị Thoa vừa nấu cơm vừa buồn bã nói: “Hai cháu nhà tôi dù đã lớn và tự trông nhau được, nhưng tâm lý của tôi vẫn rất bất an khi để các cháu ở nhà mà không có người lớn. Nếu dịch Covid-19 cứ kéo dài, tôi buộc phải nhờ ông bà ở quê lên để trông các cháu cho an tâm”.
Chị Đinh Nhàn là công nhân tạp vụ tòa nhà Goldseason - 47 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, vì tình hình dịch bệnh, số thời gian làm việc cũng giảm đi một nửa nên thu nhập vì thế cũng giảm đi nhiều. Trước đây, 1 tuần chị Nhàn đi làm đủ 7 ngày, tăng ca đủ, giờ thì chỉ làm 5 ngày và không có tăng ca.
“Trong mùa dịch bệnh này, chúng tôi mong muốn nhận được những sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị, xã hội và nếu có thể, thì chủ nhà trọ miễn hoặc giảm tiền nhà trọ cho chúng tôi. Nếu được như thế, cuộc sống của chúng tôi sẽ bớt khó khăn hơn”, đó là chia sẻ của chị Quỳnh công nhân tại khu nhà ở công nhân KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội.
Anh Toàn làm nghề kéo hàng thuê ở bến xe Giáp Bát, thường ngày kiếm 200-300 ngàn/ ngày, trong những ngày cách ly xã hội, các phương tiện ra vào bến xe bị hạn chế, thu nhập ngày có ngày không. Anh Toàn chia sẻ: Nhiều ngày liền mới có một ít hàng, mọi người đổ xô vào tranh nhau, người nào không tranh được thì phải đi về nhà bởi lệnh giãn cách xã hội, cấm tập trung đông người. “Những lúc thế này tôi lại tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng chẳng được bao bởi dịch bệnh và ứng dụng công nghệ hoạt động quá mạnh mẽ”, anh Toàn bộc bạch.
Được biết, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống lây nhiễm bệnh, hầu hết người lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức bị giảm và mất việc làm. Cụ thể, 40% bị mất 100% thu nhập, 13% bị mất 75% thu nhập; 19% bị mất 50% thu nhập. Nếu tính mất thu nhập từ 50% trở lên thì tỉ lệ bị ảnh hưởng là 72%. Bị mất thu nhập từ 75% trở lên ở người di cư làm nghề thu gom rác, làm việc ở cơ sở dịch vụ và nghề khác tương ứng là 43%, 47% và 39%.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động từ Chính phủ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN), dưới tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, đối tượng công nhân trong khu công nghiệp đã có sự hỗ trợ để họ bớt phần nào khó khăn. Cùng với đó, lao động phi chính thức bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng rất cần được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn Các KCN, KCX Hà Nội cho biết: “Trong những ngày qua, Công đoàn các KCN, KCX Hà Nội đã yêu cầu, các công đoàn cơ sở chú trọng phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, trang thiết bị bảo hộ... cho người lao động.
Bên cạnh đó, các đơn vị theo dõi, quản lý tốt sức khỏe công nhân lao động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kiên quyết không để dịch lây lan trong doanh nghiệp. Các đơn vị tạm dừng tổ chức hoạt động tập thể để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe công nhân lao động”.
Theo đó, hàng loạt các quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc...
Cũng như với nhiều người nhặt ve chai, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chị Bé. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày chị Bé nhặt nhạnh, bán lãi được khoảng 200.000 đồng. Từ khi dịch bệnh xảy ra, hàng hóa khan hiếm, có ngày không được đồng nào. Bây giờ, chị Bé chỉ mong mỗi ngày lãi được 100.000 đồng để chi trả sinh hoạt phí. Cuộc sống bức bối, khó khăn hơn khi ngoài tiền chi phí cho cuộc sống ở Hà Nội, hằng tháng, chị Bé phải gửi về quê 1,2 triệu đồng nuôi con nhỏ.
Chị Bé chỉ là một trong nhiều người nhặt ve chai, bán hàng lề đường - lao động tự do - đang vật lộn trong dịch Covid-19. Nhiều người, do không buôn bán được đã phải tạm lánh về quê, chờ khi ổn định sẽ lại lên Hà Nội để kiếm sống.