Về thương hoa súng
Khi tôi nghĩ về những mùa hoa súng nở trắng nơi những chân ruộng trũng ở quê nhà, trong tôi, một niềm thương dịu dàng đang dâng lên nhè nhẹ.
Đấy là những mùa hoa kéo dài từ độ đầu hè cho đến cuối mùa thu. Những người mẹ quê tôi hay nói “mưa rơi lộp độp lá súng”, để chỉ những cơn mưa bóng mây đầu thu. Người nông dân đang cắm cúi làm việc trên ruộng đồng, bỗng nghe lộp độp thưa thớt đâu đây trên lá súng. Mưa bóng mây thường bất ngờ rắc hạt vào buổi non trưa hay đầu chiều, nhanh đến nỗi không kịp để cô con gái nhà kia thu vội những tấm áo đang phơi trên dây hay nơi bờ giậu. Nhưng rồi cơn mưa bóng mây cũng tạnh đi chóng vánh đến nỗi chẳng kịp đủ ướt mái tóc của cô gái dậy thì. Hoặc cũng có khi sẽ chuyển thành một cơn ngắn rào rạt đủ ướt sân ướt ngõ, thì bọn trẻ trai gái lại thích chạy mưa chơi mưa và nhảy mưa. Cho đến khi mưa tạnh hẳn, thấp thoáng trong nắng trong mây mảnh cầu vồng bảy sắc, chúng sẽ hát váng lên mấy câu đồng dao: “Vừa mưa vừa nắng, hai vợ chồng ông Thắng đánh nhau trên trời. Hai cây cau bị đổ, hai tấm gỗ bị chìm, hai con chim ngồi khóc, hai con cóc ngồi cười…”
Chợt có đứa con gái mơ mộng sẽ reo lên như phát hiện ra rằng, “Chúng mày ơi, mưa rơi lộp độp lá súng là hoa súng nở trắng đồng rồi”. “Đi đi, đi hái hoa súng thôi!”.
Nơi chân ruộng gần nhất chúng tôi có thể lội dọc ngang mà hái hoa súng mỗi mùa, có cái tên nghe thật quê mùa thương khó: Ngõ Thiu. Những tên đất tên làng, tên ao, đầm, ruộng ở quê xưa, nhiều khi được đặt theo một sự tích đơn sơ, một sự việc xưa cũ, nôm na gợi nhớ. Ngõ Thiu là một khu ruộng trũng, thường không dùng cấy lúa mà sẽ để gieo mạ sau vụ gặt lúa mùa. Bởi sau vụ gặt tháng mười là khô hanh, các chân ruộng cao sẽ vào mùa phơi ải. Trời không mưa, heo may phơ phất đến, đồng ruộng khô nẻ, thì chỉ còn những chân ruộng trũng như Ngõ Thiu mới đủ mềm bùn để gieo mạ cho vụ cấy chiêm năm sau sẽ diễn ra vào đầu mùa xuân. Sau vụ cấy, là lúc mưa rào đến, Ngõ Thiu lại ngập trắng, nước lội đến ngang đùi nên không cấy lúa được. Lúc ấy thì cỏ năn, cỏ lác, cây trang cây súng cứ bời bời mà lên.
Thật không dễ dàng hái hoa súng ở Ngõ Thiu vì chân ruộng ấy bùn ngấu lắm, nước lại sâu, đứa nào thấp bé không may bị sụt xuống rãnh luống mạ cũ là hẫng chân chao người đi một cái, nước ngập đến ngang eo, cũng hãi.
Thuở ấy trẻ nhà quê tìm hoa súng là để ăn. Tin được không? Tỉa hết các lớp cánh hoa đi, cánh non cũng ăn được nhé, còn cái đài hoa là món chính thì bùi bùi đăng đắng, nhụy hoa phấn hoa dính vàng cả mép mấy đứa. Nhưng buồn cười nhất là ăn củ súng đen nhẻm miệng môi. Những củ súng con bám quanh củ cái, vỏ mỏng, nhẵn, chỉ cần lấy cái móng tay nạo qua loa vài cái và trụng xuống nước đồng cho sạch là ăn ngon lành, giòn và ngọt.
Tôi cứ theo chúng bạn mỗi hè đi tìm ăn hoa súng như thế, cho đến khi trở thành cô thiếu nữ ít nhiều biết mơ mộng, mới biết hái hoa súng về cắm bình cho đẹp. Một đôi khi chúng tôi kiếm được, trên cả “cánh đồng” hoa súng trắng tinh khôi ấy, một vài bông súng tím xanh, hoa to hơn, thơm hơn hẳn, khiến cảm xúc trào dâng hơn hẳn.
Thuở ấy nhà nghèo, không có bình cắm hoa, tôi sẽ lấy một chiếc ca nhựa đã cáu cạnh váng chè, cắm hoa súng vào rồi đặt lên mặt bể nước. Tôi sẽ ngắm hoa từ chiều cho đến sẩm tối, khi hoa khép cánh “đi ngủ”. Tinh sương hôm sau, qua một đêm ngủ ngon và được uống no sương gió, cành súng trở nên cứng cáp hơn, bông súng như căng mẩy hơn. Chen chúc nhau trong chiếc bình chật hẹp, từng bông súng đều tìm cách vươn lên, để có một chỗ tốt nhất mà khoe sắc khi tia nắng đầu tiên chạm đến.
Tại sao tôi nói rằng “về thương hoa súng”? Câu chuyện gắn với trận bão lớn ập đến làng tôi.
Hôm ấy là một ngày mưa báo bão. Mẹ tôi quảy giỏ đi từ trưa, khi biết rõ là thể nào tối nay cơn bão cũng đến. Cho tới gần muộn chiều, gió mỗi lúc đổ thốc từng cơn lớn, tướp rạp hết cả đám tàu chuối ngoài vườn, ruột gan ai nấy nóng như phải bỏng, mẹ mới trở về. Ôi chao! Mẹ tôi trở về, một tay giỏ cua nặng trĩu, và tay kia là một chùm bông súng, có một bông tím xanh đã nở, còn tất cả là đương nụ.
Bữa cơm tối trong đèn dầu leo lét vội vàng, bão đã về dữ dội. Tất cả những mảnh áo mưa, chiếu, chăn trong nhà được đem ra để đậy đống bao thóc vừa mới săn còn chưa kịp đóng cót. Nửa đêm, gió lớn làm tốc hết nóc rạ. Nhà tôi lợp ngói, nhưng riêng phần nóc vẫn dặm rạ. Mẹ tôi vật mấy bao thóc xếp chồng hai hàng song song trong nhà, tạo thành một “đường hào”. Bố tôi ốm yếu, khi ấy áo quần ướt hết, run cầm cập trong gió lạnh. Mẹ lấy hai cái ghế tựa đặt vào giữa “đường hào”, kéo tôi và bố ngồi lên, rồi lấy chiếc thuyền tôn mẹ mới mua được, úp ngược lên giữa hai hàng bao thóc, làm thành cái “mái nhà”, tạm che chắn cho bố con tôi. Chị tôi tìm được chiếc áo lông của mùa đông còn khô trong tủ để ủ ấm cho bố. Tang tảng sáng, bão dứt, trời còn lây rây mưa rớt, mẹ và các chị tôi rút rạ nếp, bó từng đon nhỏ ném lên để mấy người hàng xóm giúp dọi lại nóc nhà, trước khi mưa lớn dự báo có thể trút xuống. Quả nhiên, đến tầm trưa thì mưa lớn lại dồn dập. Nước ở đâu dâng lên nhanh như lũ đến, ngoài sân, nước đã ngập mấp mé bờ hè. Trên mặt bể nước, cái ca nhựa nằm đổ, nhưng hoa súng nở rỡ ràng từ ban sáng, như chưa hề có trận bão đêm qua.
Năm ấy diễn ra sự kiện đổi tiền, tháng 9 năm 1985. Tôi 11 tuổi. Cái thuyền tôn mới, mẹ tôi đặt mua từ khi chưa đổi tiền, đến ngày lấy thuyền thì đồng tiền đã mất giá, người thợ làm thuyền nhất định đòi bù giá khiến mẹ tôi lao đao thương lượng. Lấy được thuyền về thì bão dữ ập đến. Chẳng những ruộng vườn ao chuôm ngõ làng ngập trắng, tôm cá từ nhà nọ tràn sang nhà kia, cá bơi cả lên sân vườn. Nhà huy động hết những gì có thể đựng nước để hứng giọt gianh lấy nước nấu ăn. Nước ngập sâu đến nỗi tôi ngồi bờ hè thả cả rá gạo xuống sân nước đục mà vo, đãi, sau cùng lấy ca múc nước mưa đổ tráng qua.
Không hiểu vì linh tính gì không, mà trước khi xảy ra trận bão, mẹ tôi đã mua thuyền tôn (trước nhà chỉ có thuyền nan), và chuẩn bị một ít rọ cua. Cái buổi chiều mẹ tôi nằng nặc quảy giỏ ra đồng, cũng là muốn cố bắt thêm lấy giỏ cua để có thức ăn dự trữ ngày bão. Bây giờ số rọ cua mà mẹ chuẩn bị, đem đơm ngay ở vườn, ruộng nhà trong cơn ngập nước, đã có cua cá để ăn. Ngồi trong nhà, nhìn qua vườn sang bên kia là cánh đồng lúa sắp đến thì con gái giờ chìm trong biển nước, nỗi ngao ngán dâng lên.
Một hôm mẹ cho tôi lên thuyền, chèo quanh cái ruộng nhà tôi vốn bình thường chỉ xâm xấp nước. Ruộng ấy trồng rau muống. Qua mấy ngày ngập, đã thấy những ngồng muống khỏe nhất loi thoi ngóc lá búp lên. Mẹ nhấc rọ cua bỏ vào thuyền, những con tôm búng càng tanh tách, bọn cua cũng lách rách khua chân nhả bọt nghe âm ấm cái tai.
Và kỳ diệu thay, lẫn trong mấy ngồng muống nước, một bông súng tím đã nở tự lúc nào. Bông súng nhỏ nhoi, thương sao cái tên đồng nội nôm na dân dã! Tôi đã không muốn ngắt lên bông súng duy nhất mà tôi đã gặp trong chiều nắng hửng đầu tiên sau trận bão mưa lớn chưa từng có ấy. Sau này, tôi được biết, hoa súng có tên chữ là Thụy liên hoa…