Nguyễn Hoài Nam - nhà phê bình không sợ hãi
Thực ra tôi biết Nguyễn Hoài Nam rất muộn. Khi tôi vẫn là một anh giáo làng nhàng ở Đông Triều, Quảng Ninh thì Nguyễn Hoài Nam đã xuất hiện trên truyền hình gần như hàng tuần và được biết đến như một nhà phê bình văn học đầy cá tính.
Rồi khi tôi về Hà Nội trong khi gã trai quê Hải Phòng tíu tít với những người bạn của tôi như Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch, Mai Anh Tuấn, Đỗ Anh Vũ… tôi vẫn chưa gặp hắn bao giờ. Rồi một ngày đẹp trời, Nguyễn Hoài Nam gọi điện cho tôi bảo, ông lên sóng cho tôi ở Truyền hình Nhân Dân nhé. Tôi gật đầu đồng ý vì vấn đề đang rất nóng: Về các giải thưởng văn học gần đây.
Buổi “chém gió” hôm ấy có tôi và Nguyễn Việt Chiến, một nhà thơ đậm mùi biển và thế sự với khúc ca “Tổ quốc nhìn từ biển”. Chúng tôi trao đổi, tranh luận về các giải thưởng văn học, trong đó có giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội rất hăng. Các giải thưởng đang làm bầu không khí văn chương nóng lên, khi có cả ý kiến đồng thuận, trái chiều, cả người nhận, người rút…
Buổi trao đổi đó Nguyễn Việt Chiến và tôi khá “hung dữ”. Tưởng rằng khi gặp những khách mời và những văn nghệ sĩ “rắn” quá thì MC, kiêm biên tập viên Nguyễn Hoài Nam sẽ nao núng rồi không cẩn thận là vỡ trận. Nhưng không, Nguyễn Hoài Nam mềm dẻo và bình tĩnh dẫn dắt câu chuyện đi theo định hướng của mình. Sau này khi nhiều lần tiếp xúc với các MC hoặc biên tập viên truyền hình khác, tôi càng thấy nể anh hơn.
Thực ra sau cái lần đầu gặp nhau ở trường quay, Hoài Nam mới chấp nhận kết bạn với tôi trên facebook khi tôi phàn nàn rằng, gửi lời kết bạn đã lâu mà anh không chấp nhận. Tôi nhận ra rằng số bạn của anh trên trang cá nhân không nhiều như các ngôi sao truyền hình khác, chủ yếu là những người cùng giới phê bình, bạn bè văn chương và họ sẵn sàng chấp nhận những dòng trạng thái đôi khi rất ất ơ hoặc đanh đá, ngược chiều của hắn.
Nguyễn Hoài Nam hơn tôi hai tuổi nhưng tôi chủ động gọi anh là “ông, tôi” vì tôi tính, nếu xưng “em”, tôi sẽ thiệt thòi khi tranh luận hoặc cãi nhau! Chắc Nam không biết âm mưu đó nên hồn nhiên chấp nhận cái kiểu xưng hô rất đặc trưng của giới văn nghệ Hà Nội bây giờ. Và tôi cũng biết anh khá suồng sã khi giao tiếp với những người bạn hơn tuổi mình. Nam quan sát các nhân vật rất tinh và có trí nhớ cực tốt, có thể từng chi tiết nhỏ, những kỉ niệm cực kì “ác liệt” khi tiếp xúc với các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong khi làm nghề truyền hình của mình.
Tất nhiên tôi đã đọc Nguyễn Hoài Nam trước khi gặp. Tôi đã đọc tập phê bình “Mùi chữ” của Nam in ở Nhà xuất bản Phụ nữ từ năm 2014 và nhiều bài viết của anh trên báo. Nguyễn Hoài Nam là một tay ưa phản biện, ví dụ Nam phân tích kho tàng tục ngữ của người Việt và cho rằng, những câu ca được coi là những kết tinh của trí tuệ dân gian cũng đầy mâu thuẫn và có khi chỉ xử lí được một tình huống cụ thế. Ví dụ người Việt nói: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” nhưng đồng thời cũng cho rằng: “Bán anh em xa mua láng giềng gần.” Nam phân tích những mâu thuẫn đó với những lập luận xác đáng để thấy rằng tục ngữ Việt, người Việt đôi khi rất mềm dẻo trong ứng xử suy nghĩ, thậm chí có những tình huống khuyên người ta vụ lợi cá nhân, địa phương chủ nghĩa và khó có một mẫu số chung duy nhất…
Nguyễn Hoài Nam cũng thích bàn về những vấn đề rất có tính thời sự được đi thông từ lịch sử phương Đông. Tôi rất thích bài viết gần đây: “Về nhì, một vị thế đầy cảm xúc”. Trong bài viết của mình, Nguyễn Hoài Nam phân tích những nhân vật về nhì rất đặc sắc. Ví dụ, vị thế về nhì của Thuý Vân - nhân vật số hai so với số một Thuý Kiều, hoặc trường hợp số hai Quan Vân Trường với số một Lưu Bị, số hai Trần Thủ Độ với số một Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Người về nhì có mặt ở khắp nơi nơi và vị thế của họ có nhiều điều để nói: vừa cam chịu, vừa tiềm tàng những khát khao, khả năng, cơ hội vươn lên số một. Chuyện về nhì trong cách nhìn, sự phân tích của Hoài Nam không chỉ là chuyện trong quá khứ, lịch sử, nó có thể khơi mở và soi sáng những tình huống hiện tại ở những phạm vi rất khác nhau, ở không gian nhỏ trong cơ quan, công sở hoặc đôi khi ở những biên độ rất lớn, rất xa.
Nguyễn Hoài Nam là một trong số ít những nhà phê bình dám có những ý kiến trái chiều trước các hiện tượng văn học. Sau sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp, có nhiều tiếng nói xót thương về tác giả nhưng Nguyễn Hoài Nam lại đặt ra vấn đề, liệu có thể học tập được gì từ di sản của Nguyễn Huy Thiệp. Có đúng là Nguyễn Huy Thiệp mất đi thì để lại một khoảng trống lớn trong văn học Việt Nam hay không vì thực tế 20 năm nay Nguyễn Huy Thiệp gần như đã ngừng viết và nếu có viết thì những sản phẩm đó cũng không phải là những sáng tác đỉnh cao, đáng chú ý nữa.
Với văn chương thì Hoài Nam sắc sảo, cá tính, với bạn bè thì rất yêu chiều, thích tụ bạ. Thỉnh thoảng lại thấy Nam tổ chức một cuộc lai rai, gọi các chiến hữu thân thiết đi nhậu nhẹt và chém gió nhưng sau vài lần phải “vào thăm” bệnh viện một cách bất đắc dĩ hắn đã biết giữ sức mình hơn. Nam chuyển từ hoạt động quá công khai và ầm ĩ sang hình thức kín đáo và ngoan ngoãn hơn. Tôi thuộc diện được Nam lựa chọn làm những đối tượng kín đáo để “củ hành.” Hằng ngày anh cưỡi con xe ga LX125 màu đen được vợ “ban cho” để đưa con gái nhớn từ khu chung cư Nhật Tân đến trường Chu Văn An học. Quãng thời gian chờ đợi con từ sáng đến trưa ấy, Nam thường không biết làm gì cho hết giờ. Nguyễn Hoài Nam thường ngồi một mình trên phố Phan Đình Phùng uống bia hoặc cà phê để giết thời giờ bởi vì anh chỉ viết được về đêm cùng một gói mì tôm đập ba quả trứng. Ngồi một mình chán quá, thỉnh thoảng anh gọi tôi ra nói chuyện. Lắm khi hai thằng nói chuyện với nhau từ 7h30 sáng đến tận 12 giờ trưa, toàn chuyện văn chương, sách vở, chuyện linh ta linh tinh. Ngày này qua ngày khác, đôi khi vẫn là những chủ đề ấy mà không biết chán nhưng nói chuyện mãi rồi cũng có ích vì đôi khi câu chuyện khơi mở ra một chủ đề hấp dẫn hoặc viết được một thứ gì đó.
Một lần tôi phỏng vấn Hoài Nam để dùng bài trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội về tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỉ. Tôi hỏi Nam những câu rất khó và xoáy nhưng anh vẫn trả lời đâu ra đấy và thuyết phục dù thời gian rất gấp gáp. Điều tôi nể nhất là Hoài Nam sẵn sàng đưa ra một danh sách những cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất được công bố trong hai mươi năm qua theo con mắt của mình. Tôi tin chắc rất ít nhà phê bình dám làm việc này vì ngộ nhỡ danh sách ấy không có quyển này quyển kia, vắng mặt nhân vật A hoặc B hoặc C, rất có thể họ sẽ nổi giận, anh sẽ mất đi người bạn và cộng thêm vài người không ưa nữa.
Cái danh sách Hoài Nam đưa ra hoàn toàn là ý kiến cá nhân, gu thẩm mĩ của anh, vùng đọc của anh và tôi không bình xét sự đúng sai, hay dở, chỉ thấy rằng đó là bản lĩnh và sự dũng cảm của người làm phê bình. Để thấy rằng qua sự lựa chọn này chính kiến, quan điểm của người phê bình là vô cùng quan trọng. Nếu anh luôn sợ hãi, sợ mất lòng một ai đó thì anh sẽ đưa ra những nhận xét chung chung, vỗ về hoặc vuốt ve, nếu có chê thì lời lẽ đã được tẩm đường rất kĩ. Nhà phê bình cần vượt qua sự sợ hãi và ít nhất dám thể hiện cái tôi của mình với những kiến giải riêng và sẵn sàng bảo vệ chúng. Tất nhiên Nguyễn Hoài Nam là dân văn xịn, anh học Khoa Văn K38 Đại học Tổng hợp cũ, được trang bị lí thuyết đầy mình, điều anh viết ra chắc chắn không phải cảm tính!
Nguyễn Hoài Nam là một gã trai to đậm, chắc chắn. Anh không quá lực lưỡng nhưng toát ra vẻ nam tính rất đặc trưng. Tôi tin rằng anh là mẫu người được nhiều phụ nữ ưa thích và cũng là mẫu nhà phê bình được dân sáng tác coi trọng vì sự thẳng thắn, lòng dũng cảm, chất nghệ sĩ của mình.
Một lần, trong buổi ra mắt sách, cuốn “Cô độc” của tôi, bởi đã biêng biêng ở đâu đó rồi mới đến nên Hoài Nam phát biểu rất khiêu khích và ngang bướng, với cả tác giả và diễn giả. Hôm sau lúc đã hoàn hồn, Nam lại gọi điện xin lỗi tôi, giọng rất biết điều và “ăn năn”. Tất nhiên chẳng ai giận một người bạn đáng yêu và biết điều như vậy. Có lần biết tôi gặp chuyện buồn, Nam đã đi sớm và tìm mua một ổ bánh mì ngon mang lên tận phòng cho tôi…
Người ta đang nói về sự thiếu khuyết những nhà phê bình tâm huyết và những tiếng nói riêng biệt. Nhìn khái quát thì thấy như thế nhưng soi chiếu vào những nhân vật cụ thể thì vẫn có thể tìm ra những ngọn lửa đáng chú ý. Tôi tin rằng Nguyễn Hoài Nam và một vài người khác nữa vẫn đốt lên những ngọn lửa phê bình theo cách riêng của mình với niềm say mê và có trách nhiệm. Đối với Nguyễn Hoài Nam và nhiều người khác, văn chương, chữ nghĩa là một thứ nghiện ngập mà khi đã thực sự đắm say trong đó thì khó lòng dứt bỏ, quay lưng.