Hệ sinh thái cho những tài năng nhí
Có một từ hay được giới truyền thông dùng để nói về các tài năng nhí, đó là chữ “thần đồng”. Nhưng tôi không muốn sử dụng từ này, bởi vì rất có thể gây ra những nhầm lẫn, thậm chí ảo tưởng cho các em. Chữ thần đồng cũng có thể chính là áp lực đeo bám những đứa trẻ đó đến tận sau này. Tôi muốn các em cứ hồn nhiên vui chơi, học tập và đến với một bộ môn nghệ thuật mà các em yêu thích. Và cứ thế, các em cứ bộc lộ hết những khả năng của mình…
1. Thi thoảng, trong đời sống nghệ thuật đa dạng và bung nở hiện nay, nhất là các gameshow giải trí, chúng ta lại thấy một tài năng nhí xuất hiện. Điều đó thật đáng mừng. Như mới đây, giải thưởng Dế Mèn trao giải Khát vọng Dế Mèn cho họa sĩ Xèo Chu.
Xèo Chu tên thật là Phó Vạn An, sinh năm 2007 tại TP.HCM. Cậu bé làm quen với việc vẽ từ năm 4 tuổi, đến nay đã vẽ hơn 200 bức tranh. Môi trường gia đình cũng như tự thân những bức vẽ của Xèo Chu có những nét đủ để tự tin trưng bày những triển lãm cá nhân tại Việt Nam cũng như một vài nước, như Singapore, New York (Mỹ)... Hồi năm ngoái, trong triển lãm cá nhân mang tên “Big world, Little eyes” (Thế giới lớn, đôi mắt nhỏ) tại phòng tranh George Berges ở New York, Xèo Chu bày 20 bức hoa, ngay trong buổi khai mạc đã có người đặt mua. Trong đó, bức “Hang động vịnh Hạ Long” được định giá 150.000 USD. Sự kiện này được một số nhà sưu tập, nhà phê bình mỹ thuật nước ngoài dành những lời ca ngợi. Truyền thông, như thường lệ, ví Xèo Chu là “thần đồng hội họa Việt”, thậm chí ví tài năng của cậu như danh họa Jackson Pollock.
Quả thực, đứng trước những bức vẽ của Xèo Chu, người ta nhận ra sự trong trẻo, thuần khiết nơi những bức tranh vẽ hoa và phong cảnh - hai đề tài mà Xèo Chu dành nhiều tâm huyết vẽ.
Người ta nhận xét, Xèo Chu không bị ảnh hưởng của bất kỳ họa sĩ nào, lý do là vì Xèo Chu vẽ như chơi, vẽ mà không suy nghĩ để thành họa sĩ, vẽ không chịu bất cứ áp lực nào, vẽ không để bán. Từ nhỏ Xèo Chu đã không chơi điện thoại, do ngoài thời gian học ở trường, thì đi đá banh, đánh bòng bàn, học thêm tiếng Hoa, học thêm vẽ, đi dã ngoại, phụ mẹ cắm hoa, học nhạc… Xèo Chu cũng không có Facebook hoặc các trang mạng riêng, vì vậy mà ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, có thể tự nhiên nhất khi vẽ.
Điều đáng vui, đến lúc này, bất chấp những giải thượng vụt đến hay những lời tung hô, trong một trạng thái như “vô nhiễm”, Xèo Chu không mấy quan tâm đến việc những bức tranh của mình được săn đón hoặc được trả giá cao. Bởi Xèo Chu coi hành động vẽ của mình như một cách viết nhật ký bằng tranh về cuộc sống quanh mình. Mẹ của Xèo Chu cũng không muốn con mình nghĩ ngợi đến việc bán tác phẩm, nên gần như toàn bộ số tiền thu về đều được làm việc thiện nguyện, chia sẻ đến những bạn học sinh ở miền Trung đang gặp khó khăn vì thiên tai và vì dịch Covid-19.
2. Vượt lên những bức tranh mang tính tuyên truyền, cổ động về chủ đề phòng chống Covid-19; cũng rất khác so với những bức tranh “ngây thơ có phần ngây ngô” của thiếu nhi; chùm tranh về Covid-19 của cô bé 10 tuổi Nguyễn Đới Chung Anh là một góc nhìn vừa hồn nhiên vừa dữ dội về sự hỗn loạn cũng như sự kiên cường của thế giới trong đại dịch.
Là tác phẩm của một họa sĩ nhí, nhưng Chung Anh cho thấy sự chững chạc và phức tạp về bố cục, tạo hình, cách lồng ghép câu chuyện và cả khả năng liên tưởng.
Cũng như Xèo Chu, bằng cách này hay cách khác, Chung Anh cũng nhận được sự quan tâm của giới truyền thông trong nước và quốc tế. Nguyễn Đới Chung Anh kể: “Đó là do những ngày đầu tiên sau khi nghỉ Tết, con đã không được đến trường vì dịch bệnh. Con đã rất lo lắng sau khi nghe các tin tức trên ti vi, và con đã vẽ ra giấy những gì con nghĩ đến. Đó là câu chuyện ở những đất nước đầu tiên có Covid-19. Các bạn nhỏ ở nước đó cũng bị ảnh hưởng như chúng con. Lúc đầu con vẽ 1 rồi 2, rồi 3 bức... con không nghĩ đến bây giờ con đã có 14 bức tranh nói về đại dịch này”.
“Con đã vẽ những điều tốt đẹp mà chúng ta thấy giữa đại dịch, mỗi một lòng tốt tỏa sáng như những chiếc bóng đèn. Và khi lòng tốt khớp vào với nhau, xã hội sẽ chuyển động tốt hơn, ánh sáng lòng tốt sẽ soi sáng những ngày tháng tăm tối của đại dịch. Con mong không chỉ trong chiến dịch, cũng không chỉ khi có dịch bệnh, mà ngay cả khi những ngày bình thường, lòng tốt sẽ còn mãi” - cô bé nói.
Sau khi được giải Khát vọng Dế Mèn ở mùa giải đầu tiên (2020), Nguyễn Đới Chung Anh tiếp tục vẽ những bức tranh quanh chủ đề Covid-19. Trong số những bức tranh mới nhất Nguyễn Đới Chung Anh vẽ, có bức tranh số 15 vẽ về thành phố Nuremberg của Đức thật sự rất ấn tượng. Bằng những nét cọ, cô bé đã thể hiện tình trạng dịch Covid-19 chia cắt từng con phố nhỏ của một thành phố lớn thành những ốc đảo. Từ đó, Chung Anh thể hiện mong muốn: Mọi người hãy mạnh mẽ, dũng mãnh như con báo trong tranh để vượt qua đại dịch.
Khi được hỏi về việc theo đuổi chủ đề Covid-19, Nguyễn Đới Chung Anh bày tỏ: “Con vẫn thích và luôn muốn vẽ về những điều tốt đẹp mà mọi người thấy giữa đại dịch. Con luôn nghĩ, khi lòng tốt được lan tỏa đến mọi người thì xã hội sẽ tốt hơn và ánh sáng của lòng tốt sẽ giúp soi sáng cho tất cả trong những ngày tối tăm của đại dịch. Và con luôn mong rằng ánh sáng của lòng tốt sẽ luôn soi đường cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ khi xã hội có khó khăn, dịch bệnh”.
3. Nhiều tuổi hơn Nguyễn Đới Chung Anh và ít tuổi hơn Xèo Chu là Cao Khải An. Ở tuổi 12, trong những ngày đầu năm 2020 khi phải nghỉ học ở nhà tránh dịch buồn quá, Cao Khải An đã lục lọi giá sách trong nhà để đọc. Rồi trong cậu nảy ra ham muốn viết một cuốn sách gì đó để ghi lại những gì đang diễu hành trong đầu mình. Trước đó, Cao Khải An chưa bao giờ có ý tưởng viết điều gì. Mẹ cậu xác nhận điều đó.
Thế nhưng, khi tự thân Khải An muốn, cậu đã ngồi xuống và viết tập truyện dài đầu tay. Cậu viết tự bạch đề ở đầu bản thảo:
“Sanh ở trong Thùng Rác,
có kèm theo một tờ giấy,
ghi là sanh vào ngày 25 tháng 1 năm 2009,
và con được ba má nhặt về,
tắm một ký xà bông còn chưa hết hôi thúi”
(Truyền thuyết của bà ngoại)
Tự bạch đó giấu một nụ cười.
Và nếu đọc tập “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” của Cao Khải An, độc giả cũng dễ thấy những mẩu chuyện nhỏ khôi hài, đôi khi rất… lơ tơ mơ về những chuyện xảy ra quanh mình.
Bản thảo “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” sau đó được cậu gửi tới tham gia giải Dế Mèn mùa đầu, đã khiến nhiều vị giám khảo ngạc nhiên. Sau khi được trai giải Khát vọng Dế Mèn, tác phẩm này đã được NXB Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc vào tháng 3 năm nay. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Điểm rất mạnh và gây bất ngờ ở cậu bé 12 tuổi này là vốn sống dồi dào, chữ nghĩa phong phú, chất Nam Bộ đậm đà. Khi bà ngoại đã mất, cậu bé cảm thấy: “Đúng là bà ngoại còn sống thật. Ở trong cái tính hay quên của mẹ, trong cái cây ngoại trồng, trong gương mặt của dì Út. Hay ở trong mấy món ăn mà mợ Ba nấu đãi cả nhà, món nào cũng mang hương vị đậm đà đặc trưng của bà ngoại”.
“Khi sách ra mắt, cậu có hớn hở một chút, rồi cũng mau hết. Tính ra cuộc sống cũng không thay đổi gì giữa chuyện không có cuốn sách nào và có một cuốn sách. Cậu cũng bận học lắm… ” - người nhà cậu tiết lộ. “Thật ra cậu đang có ý tưởng này kia, nhưng chưa hoàn thành. Thấy cậu học xanh mặt, nên gia đình cũng không có hỏi thăm chuyện văn chương gì, kệ cậu. Chữ của cậu, đời của cậu” - người nhà cậu bé quan niệm.
4. Điểm qua ba gương mặt cậu bé, cô bé gần đây được nhiều người nhắc tên, để thấy họ đã bộc lộ thiên hướng nghệ thuật và có những tác phẩm đầu tay rất đáng ghi nhận. Một đôi chỗ nào đó, cũng thấy có sự tung hô, hay thậm chí ví von như những “thần đồng”, “con nhà tông…”. Nhưng bản thân các em và gia đình các em đều không muốn truyền thông hay ai đó gọi con em mình bằng những lời xưng tụng quá mức. Họ ý thức được và luôn muốn tạo cho con em của họ một “hệ sinh thái” an toàn, lành mạnh.
Để yên cho các tài năng nhí nảy mần, tạo thành những thân cây bám sâu trong lòng đất mẹ, không thúc giục, không kỳ vọng, cũng không tạo sức ép - đó chính là một cách tiếp cận đúng đắn đối với việc nuôi dưỡng các tài năng trẻ đã có sự khởi đầu thật đẹp như Cao Khải An, Xèo Chu, Nguyễn Đới Chung Anh…