Chấm thi tốt nghiệp THPT 2021: Linh hoạt nhưng phải đúng quy chế
Ngay sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1, các tỉnh thành đã bắt tay vào công tác chấm thi. Theo kế hoạch, công tác chấm thi sẽ xong trước ngày 24/7 để công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vào 26/7. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cam kết khâu chấm thi sẽ được thanh kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo an toàn và nghiêm túc, công bằng.
Chấm thi 2 vòng độc lập, chấm chung ít nhất 10 bài
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: Bộ GDĐT sẽ công bố đáp án theo tiến độ chấm thi. Theo đó, đáp án môn Ngữ văn sẽ được công bố trước tiên, sau đó sẽ đến các môn thi trắc nghiệm. Hiện Bộ GDĐT đã có hướng dẫn rất kỹ để các hội đồng thi thực hiện theo đúng quy chế. Bao gồm phần chấm thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm.
Phần chấm thi tự luận thực hiện theo quy chế là một bài thi phải được 2 giám khảo ở 2 tổ chấm khác nhau, đây là quy trình chấm hai vòng độc lập, bài thi phải được giám khảo 1 chấm trước, sau đó bài sẽ trả về cho tổ thư ký để chuyển bài thi đó sang cho giám khảo 2. Giám khảo 2 chấm thi xong lại trả lại cho tổ thư ký. Khi có đủ điểm của 2 giám khảo chấm thì thực hiện việc thống nhất điểm.
Đối với các thí sinh đã thi một số môn thi tốt nghiệp THPT và phải dừng vì liên quan đến Covid-19, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho hay: Những em thuộc diện F0 được quyền đặc cách xét tốt nghiệp nếu không có nguyện vọng xét tuyển đại học. Nếu không chọn quyền đặc cách, các em có thể đăng ký thi tiếp các môn còn lại ở đợt 2; với trường hợp này, điểm các môn thi ở đợt 1 được giữ nguyên. Như vậy, 404 thí sinh ở Khánh Hòa ở hai điểm thi Phạm Văn Đồng và Võ Thị Sáu (TP Nha Trang) ngừng dự thi tốt nghiệp THPT do liên quan đến 1 học sinh dương tính với Covid-19 sẽ được chuyển sang thi đợt 2.
Lúc đó một bộ phận thống nhất điểm hoặc có thể cho tổ trưởng của tổ chấm thứ 2 chủ động thống nhất điểm của bài thi. Như vậy, một bài thi sẽ được 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập, đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Trường hợp có độ chênh lớn mà 2 giám khảo không thống nhất điểm được thì phải có sự chỉ đạo thống nhất của người thứ 3. Với tinh thần như thế mà giám khảo làm việc nghiêm túc, chặt chẽ thì khó có thể xảy ra gian lận.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng đã chỉ đạo mỗi điểm thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của tỉnh đó. Đặc biệt, Bộ cũng đưa ra quy chế bắt buộc phải chấm chung trong toàn ban chấm ít nhất là 10 bài để thống nhất nhận thức, nhận định, tình hình, đáp án, biểu điểm của hướng dẫn chấm. Cùng với hướng dẫn chấm rất kỹ và chi tiết, điểm chênh lệch ở mỗi câu theo đại diện của Bộ GDĐT sẽ rất ít.
Để phòng, chống gian lận, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia yêu cầu về khâu bảo quản bài thi của thí sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định.
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, việc giao nộp bài thi từ điểm thi về hội đồng thi phải thực hiện ngay sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi. Tại các điểm giao nhận, phải bảo đảm an ninh, an toàn cho bài thi như với đề thi, có camera giám sát, có công an và trưởng hoặc phó trưởng ban thư ký hội đồng thi trông giữ phòng lưu trữ, bảo quản bài thi liên tục 24 giờ/ngày. Việc vận chuyển bài thi của thí sinh từ điểm thi về điểm tập kết do hội đồng thi quy định để bàn giao phải luôn có công an áp tải và bảo vệ.
Linh hoạt chấm thi trong điều kiện giãn cách, dịch bệnh
Trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Độ lưu ý khâu làm phách cũng như những công việc khác liên quan đến chấm thi, cần phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh song song với an ninh, an toàn, đúng Quy chế thi.
Theo quy định môn thi tự luận phải chấm chung ít nhất 10 bài thi trước khi chấm chính thức để thống nhất về đáp án, biểu điểm. Tuy nhiên, với một một số tỉnh, thành có dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường hợp địa phương yêu cầu không tụ tập quá 10 người để phòng dịch thì việc chấm chung trực tiếp, chẳng hạn như ở Hưng Yên sẽ phải tập trung gần 200 giám khảo.
Do vậy, ông Độ đề xuất địa phương linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế; có thể tổ chức chấm chung bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, các địa phương phải tiến hành đối sánh giữa kết quả thi và kết quả học tập lớp 12 của học sinh để qua đó nhìn nhận lại cách dạy học, kiểm tra đánh giá và thi cử của địa phương mình.
Ghi nhận của phóng viên tại TP HCM, địa phương này bắt đầu chấm thi tốt nghiệp từ 9/7 với sự tham gia của hơn 2.000 giáo viên. Công việc này được tiến hành khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT TP HCM, cho biết: Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, Sở đã phối hợp triển khai xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lãnh đạo, nhân sự tham gia chấm thi; yêu cầu thực hiện 5K; trang bị kính chắn giọt bắn khi thực hiện nhiệm vụ, triển khai phương án vào ra theo cổng, giãn cách theo quy định.
63 đoàn thanh tra công tác chấm thi từ Bộ GDĐT
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho biết sẽ có ba lực lượng tham gia thanh tra chấm thi là thanh tra của Bộ GDĐT, thanh tra của các Sở GDĐT và thanh tra của UBND các tỉnh. Bộ GDĐT có 63 đoàn thanh tra công tác chấm thi, thành phần là các cán bộ của Bộ và của các trường đại học. Ngay ngày 9/7, các đoàn đã lên đường tỏa đi các tỉnh, thành phố. Cùng với đoàn thanh tra của Sở, các tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra giám sát trong suốt quá trình chấm thi, dự kiến là 15 ngày để đảm bảo chấm thi an toàn, nghiêm túc.