Kế hoạch hoá gia đình: Khó nhất vẫn là nhận thức

Đức Trân (thực hiện) 10/07/2021 09:00

Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) về việc đảm bảo chất lượng công tác dân số hiện nay.

S Đinh Huy Dương.

PV:Ông có thể cho biết về những thành tựu thực hiện công tác dân số trong giai đoạn vừa qua?

TS Đinh Huy Dương: Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế. Mức sinh giảm mạnh ở tất cả các khu vực. Miền núi, vùng dân tộc thiểu số giảm nhanh hơn so với đồng bằng; nông thôn giảm nhanh hơn so với thành thị. Khoảng cách về mức sinh giữa các khu vực nêu trên được thu hẹp rõ rệt.

Mức sinh giảm, nên quy mô dân số nước ta tăng chậm. Số dân tăng thêm bình quân mỗi năm 1,2 triệu người/năm giai đoạn 1989-1999 xuống 0,94 triệu người/năm giai đoạn 1999-2009; từ năm 2010 đến nay là 0,95 triệu người/năm. Năm 2021, dân số nước ta khoảng 98 triệu người.

Kết quả này đã hạn chế việc tăng thêm khoảng 20 triệu người nếu nước ta không thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Việc “tránh sinh” hàng chục triệu người trong những thập kỷ qua là tiền đề tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI. Kết quả công tác Dân số - KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục đã có bước đột phá. Giáo dục dân số, giới tính, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới đã được đưa vào chương trình giáo dục chính khóa, được tích hợp vào nội dung một số môn học. Các hình thức sinh hoạt về nội dung này được triển khai thực hiện rộng rãi.

Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện công tác dân số trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?

- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Khi thực hiện công tác dân số trong thời gian này, tuyến cơ sở đã chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương đầu tư, hỗ trợ nguồn kinh phí để tiếp tục duy trì các hoạt động dân số nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng dân số, hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu đã đề ra.

Nội dung và hình thức truyền thông được tổ chức thực hiện phong phú và đa dạng, qua đó thu hút đông đảo các nhóm đối tượng tham gia, góp phần thúc đẩy sớm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Trình độ nhận thức của người dân ngày một nâng cao, có nhiều điều kiện tiếp cận đến các nguồn thông tin, kiến thức về dân số và phát triển.

Kế hoạch hóa gia đình vẫn là mối quan tâm lớn nhất trong công tác dân số hiện nay.

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, việc tổ chức các hoạt động như hội nghị, hội thảo, tổ chức chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại cơ sở bị hạn chế. Hệ thống dân số các cấp đã có nhiều hình thức hoạt động sáng tạo, như sử dụng Zalo, Facebook, Tiktok, YouTube để tuyên truyền về các nội dung dân số và phát triển. Do đó, về cơ bản các hoạt động dân số vẫn được duy trì liên tục, đảm bảo không bị đứt đoạn trong bối cảnh đại dịch.

Thưa ông, hiện việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành (năm 2017) còn gặp những khó khăn, bất cập nào, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19?

-Khó khăn, thách thức thứ nhất là nhận thức, tư duy ở một bộ phận cán bộ quản lý và người dân vẫn nặng về kế hoạch hóa gia đình. Nếu không có sự hiểu biết một cách đầy đủ, tường tận tư tưởng, quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới thì khó có thể chuyển đổi một cách trọn vẹn trọng tâm chính sách dân số sang dân số và phát triển, khó duy trì vững chắc mức sinh thay thế làm cho già hóa dân số chậm lại, khó có thể tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng để tích lũy, tăng cường đầu tư và chuẩn bị cho già hoá dân số và dân số già, phân bố dân số sẽ bất hợp lý, chất lượng dân số không được nâng cao và sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Khó khăn nữa là nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.

Hiện nay, việc tăng cường phối hợp liên ngành nhằm chỉ đạo điều phối có hiệu quả các hoạt động liên quan đến dân số và phát triển là đòi hỏi cấp bách. Điều này không chỉ cần có nỗ lực của ngành dân số mà còn cần sự quan tâm, phối hợp, hợp tác có hiệu của của các ngành, các cấp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Trân (thực hiện)