TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa dồi dào, không tăng giá
Ngày 9/7, ông Nguyễn Nguyên Phương - Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho hay, hiện nay hàng hóa thiết yếu cung ứng cho thị trường dồi dào hơn những ngày thành phố chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, hiện nay hàng hóa thiết yếu cung ứng cho thị trường dồi dào hơn những ngày thành phố chuẩn bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Ghi nhận của ngành công thương trong quá trình theo dõi thị trường cho thấy, không còn hiện tượng đẩy giá. Nhằm tránh tình trạng “té nước theo mưa”, Sở đã yêu cầu thanh tra tiến hành kiểm tra rà soát và xử phạt những trường hợp lợi dụng tình thế khó khăn để nâng giá bán.
Lý giải nhiều mặt hàng tăng giá trong những ngày trước, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, nhiều yếu tố tác động đẩy giá hàng hóa lên cao. Trong đó, có việc chi phí vận chuyển tăng do phương thức vận chuyển thay đổi, quy định kiểm dịch đối với phương tiện ra vào thành phố.
Ngoài ra, do nhu cầu mua gom và dự trữ tăng cao, sức mua lớn trong một thời điểm làm tiểu thương đẩy giá hàng hóa dẫn đến việc gía cả tăng cao ở một số thời điểm và khu vực.
Đại diện Sở Công thương TP HCM cho rằng, Sở Công thương đã và đang điều tiết nguồn cung ứng hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, Sở còn chỉ đạo phân bổ điểm bán sao cho phù hợp với tình hình chống dịch hiện nay.
Trường hợp địa phương cần tạm dừng chợ truyền thống đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thì phải khảo sát địa điểm để tạo điểm bán hàng thay thế. Đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho người dân tại địa phương nắm rõ về địa điểm phân phối hàng hóa. Tránh tình trạng vừa đóng cửa cửa hàng tiện lợi, vừa đóng cửa chợ truyền thống.
Để giải quyết khó khăn cho người dân tại một số khu vực thiếu hệ thống phân phối mà chợ truyền thống dừng hoạt động, thành phố cũng yêu cầu địa phương tổ chức lực lượng tình nguyện viên của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên hỗ trợ “đi chợ thay”. “Đi chợ thay” hoạt động theo phương thức đội tình nguyện là đầu mối kết nối giữa bên cung ứng hàng hóa với người dân có nhu cầu.
Trước đó, lãnh đạo TP HCM yêu cầu Sở Công thương tham mưu UBND thành phố xem xét, phê duyệt phương án điều tiết hàng hóa thông qua việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, giao nhận. Không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng.
Lãnh đạo thành phố cũng giảo Sở Tài chính theo dõi tình hình giá cả, tham mưu UBND TP HCM kịp điều chỉnh kịp thời các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình, đảm bảo định hướng và dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, Sở Tài chính cần phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về giá.