Cách điều trị bệnh chàm sữa ở trẻ em

P.Vân (tổng hợp) 10/07/2021 16:07

Chàm sữa còn có nhiều tên gọi khác như eczema, lác sữa, viêm da cơ địa. Đây là bệnh ngoài da, thường gặp ở trẻ từ 3-24 tháng tuổi. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng rất khó điều trị dứt điểm và hay tái phát. 

Chàm sữa là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh.

BS. Trần Thanh Nhật (Suckhoedoisong.vn) cho biết, chàm sữa là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh không điều trị sớm sẽ gây nên những hậu quả nguy hiểm cho làn da của trẻ.

Chàm sữa còn có nhiều tên gọi khác như eczema, lác sữa, viêm da cơ địa. Đây là bệnh ngoài da, thường gặp ở trẻ từ 3-24 tháng tuổi. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng rất khó điều trị dứt điểm và hay tái phát.

Bệnh không lây và thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng, hoặc có cha/mẹ có cơ địa dị ứng (mề đay, hen suyễn, dị ứng da do thời tiết...).

Cũng có trường hợp do trẻ đang bú mẹ, bị dị ứng với nguồn thức ăn của mẹ (mẹ ăn nhiều hải sản, quá nhiều chất đạm). Ngoài ra, một số tác nhân từ bên ngoài như thời tiết, khói bụi, lông động vật hoặc đồ chơi của trẻ nếu không được vệ sinh sạch cũng là nguyên nhân làm trẻ bị chàm sữa.

Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu chàm sữa của trẻ từ sớm. Khi nhận thấy những dấu hiệu chàm sữa, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để khám và được tư vấn dùng thuốc.

Dấu hiệu ban đầu khi trẻ bị chàm sữa là xuất hiện những nốt mẩn đỏ, khi chạm vào da bé sẽ có cảm giác thô ráp và nổi những vảy nhỏ li ti.

Dù trẻ chưa có biết nói, nhưng quan sát trẻ sẽ thấy biểu hiện quơ tay lên mặt như muốn gãi ngứa hoặc chà đầu, giụi mặt vào gối... Do ngứa, bứt rứt nên trẻ sẽ thường quấy khóc, kém ăn, ngủ không ngon giấc.

Khi mụn nước vỡ sẽ gây bết dính trên vùng chàm tạo thành một lớp hóa sừng bì cứng. Sau khoảng môt tuần da non tái tạo, lớp sừng bong dần khiến bé rất ngứa, thậm chí nứt da. Nếu nứt nẻ lớn có thể dẫn tới rỉ máu và nhiễm trùng, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại sẹo sâu.

Điều trị chàm sữa bằng cách nào?

Trong thời gian trẻ xuất hiện chàm, cần tìm yếu tố nguy cơ. Ví dụ như trẻ uống sữa công thức, hoặc bú mẹ hoàn toàn nhưng mẹ ăn nhiều thịt bò và các chế phẩm từ bò. Nếu bị dị ứng đạm bò, ngoài chàm sữa trẻ có thể có thêm một số biểu hiện khác như phân có máu, nổi mề đay, thở khò khè....

Ngoài thức ăn, cần tìm các yếu tố khác: Lông của vật nuôi, xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, chất liệu vải quần áo, ga gối, khí... Khi tìm được yếu tố nguy cơ thì việc loại bỏ yếu tố nguy cơ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.

Việc sử dụng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc chuyên khoa nhi kê đơn. Bởi với mỗi mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ kê từng loại thuốc phù hợp. Cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc giống của trẻ khác cũng bị chàm mà bôi cho con mình, càng không nên dùng các loại lá thuốc dân gian để đắp lên da của trẻ, có thể kích ứng làn da rất nhạy cảm của bé và làm trầm trọng bệnh hơn.

Thoa chất giữ ẩm trong vòng 3 phút ngay sau khi tắm.

Các loại kem bôi ngoài da điều trị chàm sữa

Kem giữ ẩm: Trong các loại kem bôi điều trị chàm sữa, đầu tiên là kem giữ ẩm. Có thể lựa chọn sản phẩm an toàn cho da trẻ, một trong các loại sau: cetaphil, ceradan, physioge.

Kem bôi chứa corticoid: Bác sĩ cũng có thể kê thuốc chống viêm corticoid thoa tại chỗ trong giai đoạn cấp, như hydrocortisol 1%, clobetasol butyrate 0.05%.

Cách dùng: Thoa lớp mỏng ngày 1-2 lần, đúng vùng tổn thương, không bôi lan rộng ra ngoài.

Lưu ý: Những loại thuốc kem có chứa corticoid, người chăm sóc trẻ tuyệt đối không đươc lạm dụng, chỉ bôi thuốc đúng hướng dẫn, đúng thời gian mà bác sĩ đã kê. Corticoid có hiệu quả rất nhanh, thậm chí chỉ sau 1-2 ngày bôi thuốc đã thấy tổn thương chàm lặn đi, trẻ hết ngứa. Đây chính là lý do mà nhiều phụ huynh lạm dụng thuốc.

Không tùy tiện bôi thuốc kéo dài hoặc tự ý dùng thuốc trong đợt tái phát sau. Lý do, đây là thuốc bôi ngoài da, nhưng lạm dụng thuốc có thể thấm qua da, vào máu gây tác dụng toàn thân. Dùng kéo dài có nhiều tác dụng phụ: Gây teo da, sạm da, chậm tăng trưởng... Các thuốc này có thể kể đến: Eumovate, gentrisone...

Để giúp trẻ bớt ngứa, khó chịu, bác sĩ có thể cho trẻ dùng kháng histamin.

Dùng thuốc khi có bội nhiễm: Với sang thương có bội nhiễm, rỉ dịch nhiều, bác sĩ có thể kê đơn thuốc millian 1% hay eosine 2%... Thoa kem ngày 2 lần.

Khi nghi ngờ có nhiễm trùng (có mụn mủ, trẻ sốt...), bác sĩ có thể kê kháng sinh. Ưu tiện chọn loại có hoạt tính lên tụ cầu vàng, như: Cephalexin, cefadroxyl, oxacillin, erythromycin. Cách uống như thế nào, hàm lượng ra sao sẽ do bác sĩ chỉ định cụ thể từng trường hợp.

Việc chẩn đoán chàm sữa khá dễ dàng và không cần xét nghiệm nào. Tuy nhiên cần phân biệt với bệnh hắc lào, có tổn thương da dạng bầu dục như đồng tiền gây ra do nấm, thường gặp ở những vùng da ẩm như bẹn, mặt trong đùi và rất ngứa...

P.Vân (tổng hợp)