Quảng Ninh: Đặc sắc tục thi 'Ông Voi' tại lễ hội đình Trà Cổ
Hôm nay (10/7 tức ngày 1/6 Âm lịch), UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức khai hội đình làng Trà Cổ. Nét đặc sắc nhất của lễ hội này chính là tục thi “Ông Voi” độc đáo.
Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo riêng có, thể hiện sâu sắc mơ ước về một cuộc sống no ấm, đủ đầy, làm ăn thuận lợi của người dân Trà Cổ, đồng thời khẳng định một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nghi lễ lâu đời nơi địa đầu Tổ Quốc nhằm tưởng nhớ đến những vị tiền nhân khai đất lập làng… Đây cũng là phần được người dân quan tâm nhất trong lễ hội đình Trà Cổ.
Trước dịp lễ hội, làng chọn ra 12 đàn ông có tư cách đạo đức tốt, gia đình phương trưởng, cha mẹ vuông tròn để làm “cai đám”.
Các “cai đám” này có nhiệm vụ túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội.
Quan trọng nhất, vào dịp áp tết, các “cai đám” này sẽ mua 1 con lợn giống (lợn đực) về nuôi.
Kể từ lúc ấy, chú lợn đã trở thành con vật của thần, không được gọi là lợn mà gọi là “Ông Voi”. Các “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, sạch sẽ, nóng có quạt mát, ngủ được mắc màn chống muỗi.
Tới chiều ngày 30/5 Âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các “cai đám”, cùng dân trong làng dùng cũi sơn đỏ có mái che mưa nắng để rước các "Ông Voi" ra đình Trà Cổ.
Các "Ông Voi" đã được tắm rửa sạch sẽ, trang điểm và nằm xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu các Thần 1 đêm.
Cũng trong buổi chiều ngày 30/5 Âm lịch, các Ông Voi sẽ được làm lễ tế cáo yết Thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ, cận nặng từng Ông để tìm ra Ông Voi đẹp nhất để tế thần.
Ông Voi nào có thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất và nặng nhất sẽ giành giải Nhất và được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của ông Voi đẹp nhất.
Lễ trao thưởng cho “cai đám” có “Ông Voi” đẹp nhất được trao giải Nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội 1/6 Âm lịch.