Tuyên Quang: Hành động để bảo vệ môi trường

Phương Nguyên 11/07/2021 00:15

Nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức đoàn thể đã luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Để thực hiện tốt việc này, từ nhiều năm nay MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cho ra đời nhiều mô hình tự quản để bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống cho người dân. Từ chủ trương của tỉnh, nhiều địa phương đã đưa ra mô hình tự quản của riêng mình để tổ chức, thực hiện. Đặc biệt, việc bảo vệ môi trường đã trở thành thói quen, một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.

Vào những ngày đầu tháng 7, dưới cái nắng nóng oi bức của mùa hè, bà con nhân dân xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương vẫn duy trì đều đặn việc thu gom, phân loại rác thải ngay tại nhà. Ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống của bà con nhân dân tại từng gia đình, từng khu dân cư được nâng lên một bước rõ rệt.

Bà Nguyễn Thị Phú, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật cho biết, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Bà con nhân dân từ người già đến trẻ nhỏ đều có ý thức giữ gìn. Ai cũng ý thức được rằng bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình nên khi thấy những đoạn đường xanh – sạch – đẹp bà con nhân dân đều rất phấn khởi.

Với đặc thù là địa bàn có xuất phát điểm thấp, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên xã Kháng Nhật đã có cách làm của riêng mình để đưa địa phương trở thành điển hình trong việc bảo vệ môi trường. Bà Mai Thị Nga, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kháng Nhật chia sẻ, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã thành lập được 8 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường với 67 thành viên tham gia. Tổ tự quản do người dân trong thôn bầu ra, mỗi tổ gồm 7 - 8 người.

UBND xã ra quyết định thành lập tổ tự quản và phê duyệt quy chế hoạt động theo Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ tự quản bảo vệ môi trường xã Kháng Nhật hằng tháng tổ chức các buổi lao động, quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom rác; hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định. Các thành viên trong tổ còn vận động người dân trong thôn tự mua sắm thùng đựng rác, túi phân loại rác thân thiện với môi trường. “Việc áp dụng các mô hình Tổ tự quản về bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả tích cực. Môi trường nông thôn xã Kháng Nhật được cải thiện, đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, trong lành, cống rãnh được khai thông, rác thải được thu gom, không bị tồn đọng” -bà Nga nói.

Chia sẻ bí quyết thành công trong bảo vệ môi trường tại cơ sở, ông Hà Đình Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sơn Dương cho biết, toàn huyện hiện có hơn 100 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường với 2.500 thành viên. Các mô hình được thành lập đã góp phần tăng cường sự tham gia phối hợp của chính quyền các cấp, của người dân về bảo vệ môi trường tại địa bàn dân cư. Đặc biệt, trong năm 2020, Uỷ ban MTTQ huyện Sơn Dương đã triển khai cho mỗi xã thành lập 3 tổ tự quản xử lý rác thải và chống rác thải nhựa tại 3 khu dân cư. Tại những khu dân cư làm mẫu sẽ được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, kiến thức phân loại rác thải nhựa, rác thải tái chế… Việc duy trì đều đặn những mô hình này đã góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện có hiệu quả mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Những ngày này, bà con nhân dân thành phố Tuyên Quang cũng đang hăng hái thực hiện tốt phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Do đó, đường làng ngõ xóm được giữ gìn sạch sẽ, phong quang.

Ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn phường có 17 mô hình tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa hoạt động với trên 153 thành viên. Các thành viên trong tổ, nhóm tự quản đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình; phát trên 3.000 tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn về phân loại rác thải và chống rác thải nhựa. Ngoài ra, 100% Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn phường đều triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường do rác thải trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt để hạn chế tối đa việc xả thải và vứt túi nilon ra môi trường xung quanh.

Theo ông Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã và đang phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tạo lập môi trường sống an toàn - sạch - đẹp. Đặc biệt, năm 2020, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai phát động phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.

Cùng với tổ chức các buổi lễ phát động, MTTQ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã hiệp thương, thống nhất, phân công nhiệm vụ, việc làm cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư; tuyên truyền vận động nhân dân, hộ gia đình ký cam kết tự giác thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.203 mô hình tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.

“Không chỉ ban hành các văn bản hướng dẫn, cán bộ Mặt trận trên địa bàn tỉnh còn đi kiểm tra, nắm tình hình xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, xử lý, chống rác thải nhựa tại nhiều thôn và nhiều hộ gia đình. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, MTTQ tỉnh đề nghị Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Các Ban Công tác mặt trận cần tuyên truyền để mỗi hộ dân chủ động phân loại rác thải, xây dựng bể xử lý rác thải tại gia đình, hạn chế gây ô nhiễm môi trường”, ông Vượng nói.

Trong bối cảnh tỉnh đang tích cực xây dựng xã nông thôn mới, các hoạt động bảo vệ môi trường không những giữ gìn môi trường sống mà còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phương Nguyên