Chứng khoán chìm trong sắc đỏ: Nhà đầu tư khóc ròng

H.Hương 11/07/2021 13:40

Diễn biến thị trường chứng khoán trong tuần vừa qua gắn liền với hai chữ: khóc ròng. Nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo, chỉ số VNIndex rớt sâu nhất trong vòng 6 tháng.

Đi tìm thủ phạm

Thị trường chứng khoán có lẽ không thể dành cho những người yếu tim. Thống kê vài dữ liệu cho thấy cảnh tượng “hoang tàn”, cổ phiếu đồng loạt đo sàn.

Ngày 5/7 hệ thống mới của HOse vận hành. Ngày 6/7 VNIndex giảm 56,34 điểm (-3,99%) xuống 1.354,79 điểm, là cú mất điểm mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Ngày 7/7 VNIndex đứng ở mốc 1.388,55 điểm. Giá trị giao dịch 20.000 tỷ đồng. Ngày 9/7 VNIndex xuống 1.366,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 319,67 triệu đơn vị, giá trị 11.646 tỷ đồng.

Tuần vừa qua thị trường chứng khoán khiến cho giới đầu tư không kịp trở tay. Nhiều cá nhân đánh chứng đã tự an ủi rằng, cố chờ thị trường “hồi” rồi giao dịch. Nhưng dường như mọi sự cố gắng không được như kỳ vọng. Thị trường chứng khoán lao dốc.

Nhưng đâu là thủ phạm? Nguyên nhân phải chăng là do các tin xấu liên quan đến dịch Covid-19? Hay là tâm lý hoảng sợ bong bóng chứng khoán khi thị trường chứng khoán tăng điểm quá nóng trong thời gian qua bất chấp mọi hoàn cảnh?

Một số nhận định cho rằng “thủ phạm” chính khiến thị trường lao dốc có thể là những tin xấu liên quan đến dịch Covid-19.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam trong ngày 7/7 đã nói: “Tôi nghĩ thời điểm này chỉ có một lý do có thể nghĩ đến là các tin đồn xấu liên quan đến dịch Covid-19. Vị chuyên gia cũng cho rằng tin đồn xấu chính là “giọt nước tràn ly” khi thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu rủi ro như: Định giá thị trường đã ở mức cao, nhiều cổ phiếu tăng nóng suốt thời gian dài, margin thị trường đã “căng cứng”...

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Đầu tư và Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm có thể xuất phát từ những tin đồn tiêu cực liên quan đến dịch bệnh.

Bên cạnh đó ông Lê Ngọc Nam nhắc đến một vấn đề, đó là kỳ vọng của nhà đầu tư sau khi triển khai giải pháp kỹ thuật mới trên HOSE đã bị thị trường “phản ứng”.

“Trước đó, thị trường đã kỳ vọng giá trị giao dịch sẽ vượt xa ngưỡng xung quanh 1 tỷ USD và các chỉ số sẽ tốt hơn khi HOSE triển khai giải pháp kỹ thuật mới. Tuy nhiên, diễn biến mấy phiên trở lại đây cho thấy kỳ vọng đó đang không được đáp ứng, do đó dễ hiểu khi xuất hiện tâm lý lo lắng của nhà đầu tư. Cùng với đó, định giá chung của thị trường cũng ở mức tương đối cao, trong khi kết quả kinh doanh của một số nhóm cổ phiếu sau khi ra thông tin không tốt như kỳ vọng thị trường” - ông Nam nói thêm về những nguyên nhân có thể khiến thị trường đi xuống trong thời điểm hiện tại.

Ngoài ra theo chu kỳ, khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8 hàng năm thường được giới chuyên gia cũng như người chơi nhìn nhận là khoảng trũng thông tin. Phải đến tháng 9, khi mà ước tính kết quả kinh doanh quý 3 và cả năm sẽ được công bố, kỳ vọng tăng trưởng mới có thể quay trở lại.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VNDirect cũng nhận định, giá cổ phiếu hiện tại đang chạy trước mức tăng trưởng của lợi nhuận. Do đó, dự báo thời gian tới, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng đảo chiều giảm nhẹ. Thị trường sẽ trở nên phân hóa.

Lỗi cục bộ vẫn xuất hiện

Bất chấp những kỳ vọng về hệ thống vận hành mới của Hose được khởi động từ ngày 5/7 với các lời hứa hẹn mạng thông suốt, lỗi cục bộ đã xuất hiện ở một số công ty chứng khoán, nhất là ở khâu nhận, trả lệnh từ công ty tới nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phụ trách Hội đồng Quản trị HOSE nói hệ thống giao dịch mới trên HOSE vẫn vận hành ổn định từ hôm triển khai đầu tiên là 5/7 đến nay. Hiện tượng lỗi có xuất hiện mang tính cục bộ tại một số công ty chứng khoán, do mỗi công ty lựa chọn và đầu tư một hệ thống công nghệ khác nhau. Lỗi xảy ra ở các công ty là khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu ở công đoạn nhận, trả lệnh từ công ty chứng khoán đến nhà đầu tư.

“Tốc độ hệ thống mới được nâng cấp nhiều, đẩy thông tin từ HOSE về quá nhanh, trong hệ thống của một số công ty cập nhật chậm. Có đơn vị phần mềm nhận lệnh với nhà đầu tư có trục trặc, nhà đầu nhập thấy báo lỗi, nhầm là chưa nhận lệnh nhưng thực ra lệnh đã vào hệ thống rồi, ảnh hưởng đến giao dịch”- bà Nguyễn Thị Việt Hà lý giải.

Hiện một số công ty chứng khoán đã khắc phục lỗi, thực hiện chạy lại cấu hình và tình hình tạm ổn. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để các công ty cũng phải mất một thời gian, hoặc khắc phục, thậm chí có thể cần cải tiến hệ thống để kết nối giao dịch trơn tru.

Lãnh đạo HOSE cũng cho biết, khi triển khai hệ thống mới mạnh hơn để chống nghẽn lệnh, HOSE và đối tác FPT đã thực hiện kiểm tra “test” chạy thử hệ thống giả lập. Mặc dù vậy, hệ thống giả lập này vẫn quá nhỏ so với thực tế thị trường đang phát triển mạnh, rất nhiều nhà đầu tư kết nối giao dịch, hệ thống công nghệ một số công ty chứng khoán không tương thích kịp.

Khẳng định đây là vấn đề từ phíacác công ty, nhưng bà Nguyễn Thị Việt Hà cho hay, trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, HOSE sẽ khẩn trương liên hệ, làm việc với các đơn vị liên quan để phân tích rõ hơn tình hình sau khi triển khai diện rộng hệ thống mới và phối hợp với các đối tác giúp khắc phục lỗi, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

Trước đó, tại phiên giao dịch chiều 6/7, hệ thống giao dịch một số công ty chứng khoán xuất hiện lỗi, đặc biệt là trong phiên giao dịch xác định giá đóng cửa (ATC). Tình trạng này tiếp tục xuất hiện thêm một số công ty chứng khoán khác, nhiều cái tên đã được nhắc đến như VND, SSI, TCBS, VPS, FPTS…

Một số công ty đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng, đồng thời cũng đã khắc phục được lỗi phát sinh như: Công ty chứng khoán VNDirect (VND) đã có thư ngỏ gửi tới nhà đầu tư. VND giải thích lí do liên quan đến việc nâng cấp triển khai hệ thống mới, hệ thống giá của VNDi đã xảy ra hiện tượng chậm cập nhật dữ liệu, dẫn tới giá dự khớp của một số cổ phiếu…

“Sau khi phát hiện lỗi, đội ngũ công nghệ của VND đã nhanh chóng nhận diện nguyên nhân và lên phương án khắc phục ngay lập tức” - đại diện VND cũng cho hay.

Sang đến sáng 7/7 thì xảy ra lỗi ở Công ty CP Chứng khoán SSI đến trưa thì khắc phục được và giao dịch lại trong buổi chiều.

Lãnh đạo SSI lý giải “trong các phiên giao dịch từ 5/7 do các hệ thống đang chưa hoàn toàn tương thích dẫn đến hiện tượng đăng nhập chập chờn, dữ liệu hiển thị chưa chính xác, chậm cập nhật trạng thái lệnh”…

Đại diện SSI cũng nhận trách nhiệm và khẳng định nỗ lực cao nhất để không ngừng hoàn thiện hệ thống, sớm khắc phục lỗi.

Dưới góc độ kỹ thuật, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) khẳng định, không có xung đột nào giữa hệ thống mới và cũ. Chỉ có tốc độ và tần suất trả thông tin cho công ty chứng khoán cao hơn trước, thị trường đã giao dịch nhiều nghìn tỷ đồng và hàng trăm triệu cổ phiếu từ các công ty chứng khoán.

“FPT IS có thể hỗ trợ HOSE xử lý nếu lỗi phía đầu của Sở, còn với đầu công ty chứng khoán thì FPT IS sẵn sàng phối hợp” - đại diện FPT IS nói.

H.Hương