Tấn công hay phòng ngự?

Đ.x. 11/07/2021 14:00

“Muốn chiến thắng hãy tấn công, để đăng quang hãy phòng ngự”, đó là đúc kết tinh hoa của giới bóng đá suốt trăm năm lịch sử.

Diễn giải một cách “phồn thực”, đá đẹp, đá cống hiến sẽ có những chiến thắng mãn nhãn. Song, để vô địch một giải đấu, đặc biệt theo thể thức đấu loại trực tiếp, đầu trước nhất phải không thua. Muốn không thua đơn giản đừng để thủng lưới. Và để không thủng lưới, có hai cách: Cầm bóng thật chặt trong chân hoặc lùi đội hình thật sâu để phòng ngự.

Tuyển Italia lẫn tuyển Anh không đại diện cụ thể cho phương án nào vừa nêu, vì tùy vào từng thời điểm họ lại áp dụng một phương cách. Tóm lại là áp dụng cả hai. Italia được lòng giới mộ điệu nhờ màn trình diễn thanh thoát tại vòng bảng, với tỷ lệ kiểm soát bóng áp đảo đối phương, nhưng đừng quên Donnarumma không một lần vào lưới nhặt bóng.

Đến khi đương đầu với Tây Ban Nha, “trùm cuối” ngành kiểm soát bóng, Azzurri trở về bản ngã phòng ngự bê-tông và “chịu đựng” để giành chiến thắng sau loạt đá luân lưu trước La Roja. Sau trận đấu, người Ý tự hào họ đã dùng tuca tuca để hạ sát tiqui-taca của người Tây Ban Nha. Rõ ràng với Azzurri, kết quả mới là quan trọng nhất.

Southgate càng thực dụng một cách cực đoan hơn. 2 bàn thắng, 0 bàn thua sau 3 trận vòng bảng là những con số biết nói thực sự. Không những thế, bất chấp áp lực từ dư luận và báo chí vốn ưa soi mói của xứ sở sương mù, vị chiến lược gia này kiên định tuyệt đối với những lựa chọn của bản thân. Đó là lối chơi phòng ngự lùi sâu kín kẽ bất chấp sự thiếu thẩm mỹ. Đó là niềm tin vào Harry Maguire, Raheem Sterling, Saka và kể cả Harry Kane, dẫu cả thế giới hoài nghi thì Southgate vẫn tung ra sân đều đặn. Kết quả là ông chứng minh tất cả đều sai.

Và đỉnh điểm cho sự thực dụng của Tam sư là màn… tiqui-taca suốt 2 phút 54 giây cuối hiệp phụ trận bán kết với Đan Mạch. Các tuyển thủ Anh cầm bóng tuyệt đối 100% trong khoảng thời gian này bằng 54 đường chuyền với mục đích câu giờ và không cho đối phương có cơ hội cầm bóng tấn công. Báo giới Anh lại một phen chỉ trích kịch liệt lối chơi hèn hạ ấy. Nhưng có hề gì, sau khi đã trở thành tội đồ tại EURO 1996 với pha đá hỏng 11m ở loạt luân lưu quyết định tại bán kết, Southgate hiểu rõ kết quả mới là quan trọng nhất.

Một chi tiết nữa cần lưu tâm, Anh và Italia là hai đội bóng để lọt lưới ít nhất tại EURO 2020. Anh mới nhận 1 bàn thua từ tình huống đá phạt. Italia 3 bàn thua nhưng chưa trận nào nhận quá 1 bàn thua. Không chỉ là chất lượng các hậu vệ, nếu không có sự thực dụng không thể đạt được thành tích phòng ngự đáng nể như vậy.

Vì vậy, trận chung kết trước mắt khó lòng trông đợi vào một màn trình diễn tấn công mãn nhãn giữa hai đội. Trận đấu nhiều khả năng sẽ có ít bàn thắng và diễn ra… nhàm chán. Đội thắng sẽ là đội lì lợm hơn hoặc may mắn hơn. Italia lì lợm hơn, điều đó có thể thấy rõ. Nhưng thần may mắn đang nghiêng về phía Tam sư trong suốt kỳ EURO này.

Tuy là một vòng chung kết được đăng cai trên 11 thành phố ở 11 quốc gia khác nhau nhưng sau 7 trận, 6 trận tuyển Anh được đá trên sân nhà Wembley, bao gồm cả trận chung kết trước mắt. Với ưu thế “sân nhà” đó, các học trò của HLV Southgate phần nào được trọng tài ưu ái, hoặc tạo ra cảm giác như thế, đơn cử như tình huống bước ngoặt của trận bán kết cùng Đan Mạch, với pha ngã của Raheem Sterling. Biết đâu chung kết lại thế!

Đ.x.