KOLs phải thông báo với Bộ TT&TT mới được livestream trên mạng xã hội
Đề xuất trên được đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP.
Dự thảo sửa đổi khá nhiều nội dung trong Nghị định 72 theo hướng quản lý chặt chẽ hơn trong việc cấp phép các mạng xã hội, với việc cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội, trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ mạng... trong đó đề xuất quản lý chặt chẽ hoạt động livestream mà gần đây gây ồn ào trong xã hội.
Cụ thể, đề xuất tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới có thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam hoặc có số lượng người tại Việt Nam truy cập thường xuyên (UV- Unique Visitor) trong một tháng từ 100.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ cho Bộ TT&TT những nội dung sau:
- Tên tổ chức, tên giao dịch; mã số doanh nghiệp (nếu có); địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ; địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam (nếu có);
- Đầu mối liên hệ: Tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam, địa chỉ email, điện thoại liên hệ.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT mới được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.
Đối với các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.
Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thực hiện thông báo.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT&TT.
Đối với video phát trực tuyến (livestream), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT&TT.
Trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới phải xử lý khiếu nại.
Nếu khiếu nại chính đáng thì phải tạm khóa hoặc xóa các nội dung bị khiếu nại có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Công khai chính sách và quy trình hỗ trợ khách hàng xử lý các vấn đề về an toàn, an ninh mạng theo hướng ngắn gọn, rõ ràng và trực quan, dễ hiểu.
Thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm (vào trước ngày 31/12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu cho Bộ TT&TT (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Trong tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 1 tháng có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật bị Bộ TT&TT yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc tạm khóa hoạt động đối với các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung này chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ. Thời gian tạm khóa từ 7 ngày đến không quá 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Trong trường hợp phát hiện nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng cung cấp xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.
Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT.