Theo dõi ‘sức khoẻ’ doanh nghiệp, ổn định nguồn thu
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020, trong đó, một số ngành đạt mức tăng trưởng cao như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể khối các ngân hàng thương mại (NHTM) có số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.
Thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.
Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong tháng 1/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...
Có thể nói rằng kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn khá tốt. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây đã trực tiếp ảnh hưởng đến một số khu công nghiệp, địa phương lớn như TP HCM và một số tỉnh phía Nam, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân, ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách của cơ quan thuế.
Thực tế cho thấy số thu ngân sách từ tháng 5, tháng 6 đã có xu hướng giảm xuống so với các tháng trước đó và chỉ đạt lần lượt 7,9% và 7,1% so với dự toán. Điều này cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách các tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Do vậy trong bối cảnh này, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cần được quan tâm thực hiện.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, để chống thất thu nhưng vẫn tạo thuận lợi cho DN làm ăn chân chính, cơ quan thuế thực hiện nghiêm các Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tránh chồng chéo, trùng lặp với kế hoạch của cơ quan thuế cấp trên và cơ quan chức năng khác theo quy định.
Tăng cường thực hiện các giải pháp của cơ quan thuế về ngăn chặn, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn. Phối hợp với NHTM rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube…
Để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngành thuế bám sát tình hình sức khoẻ DN để hỗ trợ DN song vẫn phải thu đúng, không để sót.
Phía tổng cục Thuế khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế sẽ chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của DN, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành Thuế sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc, giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.