Khâu trung gian vẫn ‘làm giá’
Giá lợn hơi đang giảm mạnh, hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên tại chợ truyền thống giá thịt lợn vẫn cố thủ ở mức cao từ 140 - 160.000đ/kg, thậm chí tại các siêu thị, mức giá cao nhất còn lên đến 260.000đ/kg. Đây vẫn là mức giá duy trì suốt nhiều tháng qua.
Đến bàn ăn, giá thịt lợn vẫn “trên trời”
Theo ghi nhận, giá thịt lợn hơi trong thời gian gần đây liên tục giảm mạnh, cụ thể giá lợn hơi ngày 11/7 dao động trong khoảng 53.000 - 66.000 đồng/kg. Tại thị trường miền Bắc đang giữ mức giá tốt nhất cả nước. Tuần này, ghi nhận xu hướng giảm tại nhiều địa phương so với tuần trước.
Theo đó, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình và Vĩnh Phúc cùng giảm 1.000 đ/kg, hiện giao dịch trong khoảng 63.000 - 65.000 đ/kg. Tương tự, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nội giảm 2.000 đ/kg, điều chỉnh giá thu mua trong khoảng 60.000 - 64.000 đ/kg.
Theo một tiểu thương ở chợ Kim Liên, quận Đống Đa, đây là mức giá thấp từ đầu năm tới nay. Lý giải nguyên nhân của giá thịt tới tay người tiêu dùng vẫn đắt đỏ, người này cho hay: Giá thịt lợn cao là do qua nhiều khâu, chúng tôi nhập cũng cao rồi. Đến tay chúng tôi cũng phải qua tới 4-5 “cầu”, như vậy giá thịt sẽ bị đẩy lên mức cao khi đến tay người tiêu dùng.
Với giá thịt lợn ngoài thị trường cao như hiện nay, Bộ NNPTNT, Bộ Công thương cùng các địa phương đang bàn để giải quyết vấn đề này. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Chắc chắn không thể cứ mãi duy trì giá thịt lợn cao như hiện nay, khi nguồn cung đã ổn định, giá lợn hơi đã xuống.
Nghịch lý giá lợn hơi giảm, nhưng đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao không còn là chuyện lạ với thị trường suốt thời gian qua. Thời điểm này với giá lợn hơi ở mức dao động từ 53.000 - 66.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lỗ thì giá thịt lợn ở các chợ và siêu thị vẫn ở mức “trên trời”. Như vậy là cả người chăn nuôi và tiêu dùng đều đang chịu thiệt.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT phân tích: Thực chất những ngày gần đây giá lợn hơi bán rất hạ, với mức giá đó người chăn nuôi theo chuỗi khép kín thì vẫn còn có lãi, còn nếu đi mua con giống, đi mua thức ăn thì với giá dưới 70.000 đồng/kg hơi là người chăn nuôi cầm chắc lỗ. Nhất là do giãn cách xã hội nên khâu vận chuyển sẽ có phần hạn chế.
Đặc biệt tiêu thụ nhiều vẫn là khu vực thành phố như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... những thành phố này sản xuất không đủ mà vẫn phải từ các tỉnh thành khác chuyển về, khi dịch bệnh xảy ra, giãn cách xã hội thì vận chuyển rất khó. Cho nên dẫn đến việc người sản xuất ra bán giá thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao.
“Do khâu lưu thông khó khăn nên thương lái sẵn sàng ép giá, và người tiêu dùng cũng như người sản xuất đều không được hưởng lợi. Và khâu trung gian là khâu được hưởng lợi nhiều nhất” - ông Trọng nhấn mạnh.
Mặt khác, trước đà giảm giá sâu, trong khi thức ăn chăn nuôi lại tăng mạnh đã đẩy người chăn nuôi vào cảnh khó khăn. Theo tính toán của một nông hộ tại Thái Nguyên, một con lợn nuôi đến lúc bán đạt trọng lượng 1,1 tạ, phải chi hết 3,6 triệu tiền cám, tiền giống (thời điểm tháng 3 năm nay) hết 2,6 triệu, khoảng 350.000 tiền điện, nước, nhân công... Nếu bán với mức giá 62.000 - 63.000 đồng/kg thì gần như người chăn nuôi chỉ hòa gốc. Thực tế, giá lợn hơi đang đà giảm sâu nên khả năng thua lỗ rất cao.
Làm gì để hài hoà lợi ích?
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận: Việc thịt lợn phải qua quá nhiều khâu trung gian đến bán lẻ rồi mới đến tay người tiêu dùng là sự thất bại tạm thời của hệ thống phân phối. Theo ông Phú, không thể phủ nhận vai trò của trung gian, nhưng khâu trung gian và bán lẻ đang ăn lãi quá nhiều đã đẩy giá thịt lợn lên.
Vậy làm gì để hài hoà lợi ích giữa người chăn nuôi, người tiêu dùng cũng như thương lái? Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT định hướng giải pháp căn cơ vẫn là sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thì mới chủ động được giữa cung - cầu, nghĩa là phải chủ động về kế hoạch sản xuất, kể cả trong khối nông hộ. Bây giờ chiến lược phát triển chăn nuôi đẩy mạnh trang trại và quy mô lớn, nhưng bên cạnh đó vẫn duy trì chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống và hữu cơ.
Chăn nuôi nông hộ ở ta vẫn chiếm phần lớn nên phải có những liên kết để tạo thành những tổ hợp tác, những HTX để doanh nghiệp có thể tiếp cận những tổ HTX, từ đó những rủi ro sẽ ít hơn và lợi ích sẽ được phân chia tương đối đồng đều.