Đà Nẵng: Hơn 400 hộ nuôi cá lồng bè mòn mỏi chờ chuyển đổi sinh kế

Bình Nguyên 12/07/2021 09:00

Gần hai chục năm nay, 416 hộ dân nuôi cá lồng, bè ở Đà Nẵng mòn mỏi chờ hỗ trợ để chuyển đổi sinh kế khi địa phương này có chủ trương dừng hoạt động nuôi cá lồng bè tự phát trên sông, biển

Bè cá của người dân trên sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Ảnh Bình Nguyên.

Đầu giờ sáng, khi nắng trải đều trên mặt nước là lúc nông dân nuôi cá bè trên sông Cẩm Lệ cho cá ăn. Nhưng những tiếng quẫy mạnh của hàng nghìn con cá tranh nhau đớp mồi vẫn không khỏa lấp nỗi ưu tư của những người nuôi cá.

Theo lời ông Hùng, một người nuôi cá, gần hai chục năm trước, khi phường Hòa Xuân - nơi ông cư trú còn là làng quê, cồn bãi, ông đã vay vốn đóng bè nuôi cá trên sông. Do ruộng đồng bị san lấp nhường đất cho quy hoạch đô thị nên nhiều gia đình ở Hòa Xuân cũng chuyển sang nuôi cá trên sông.

Thu nhập từ các vụ cá cao gấp nhiều lần canh tác nông nghiệp nên nhanh chóng thu hút hàng chục hộ nông dân vay vốn, đóng bè, tạo thành “làng bè” tự phát trên sông Cầu Đỏ, sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò. Đầu năm 2000 cho đến năm 2006, 2007, cá nuôi từ lồng bè trên sông Cẩm Lệ qua Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), sông Cổ Cò qua Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) và trên mặt biển Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà) không đủ cung cấp cho nhà hàng, quán ăn của Đà Nẵng.

Rất nhiều thương lái ăn ngủ tại lồng bè để thu mua chuyển đi tiêu thụ ở nơi khác. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng tham mưu cho UBND thành phố không phát triển nuôi cá bè tự phát trên sông cũng như dừng hoạt động của lồng bè trên mặt biển Thọ Quang, vịnh Mân Quang do ô nhiễm môi trường và cảnh quan mặt nước. Kể từ đây người nuôi cá lồng bè như ông Hùng rơi vào cảnh nuôi cá vụ nào biết vụ đó.

Ông Sơn - một trong số 40 hộ nuôi cá trên sông Cẩm Lệ ở Hòa Xuân nói rằng, chưa biết đến bao giờ trả hết khoản vay hơn 300 triệu đầu tư cho bè cá. Nợ còn đó trong khi hàng năm chỉ dám đầu tư nuôi cá cầm chừng.

Ông Sơn cũng như các hộ nuôi các loại cá nước ngọt như diêu hồng, trắm, trôi, mè…trên sông Cẩm Lệ là để duy trì công ăn việc làm hàng ngày. Lời lãi ít ỏi không đủ đầu tư mua giống, thức ăn cho cá nhưng gia đình ông vẫn hy vọng đến lúc nào đó được hỗ trợ, nuôi cá bè trong khu vực được thành phố quy hoạch , thay vì tìm sinh kế khác.

Theo UBND phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, phường này đang có hơn 40 hộ nuôi cá bè. Thực hiện chủ trương của thành phố; các hội, ngành, đoàn thể của địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con không đầu tư thêm lồng bè mới, đặc biệt là không tái đàn.

UBND phường cũng tổ chức đối thoại với người dân nuôi cá bè nhằm tìm tiếng nói chung nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái tự nhiên cảnh quan các dòng sông. Tại cuộc đối thoại, hàng chục hộ nuôi cá bè đều bày tỏ nguyện vọng được chính quyền hỗ trợ vốn để chuyển đổi sinh kế cho lao động lớn tuổi, hỗ trợ đào tạo nghề mới cho lao động trẻ mất việc làm.

Dù đã có thời gian dài vận động, thuyết phục nhưng đến nay mới chỉ có 7 hộ dân ở quận Cẩm Lệ dừng nuôi cá bè trên sông. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do khó khăn trong chuyển đổi sinh kế mới cho lao động lồng bè.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, hiện thành phố đang có 416 hộ nuôi cá lồng bè trên sông và trên biển. Tổng cộng có 437 bè và 1.179 lồng nuôi cá nước ngọt, nước mặn tại các sông và mặt biển của quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà.

Do ô nhiễm môi trường và cảnh quan, kể từ năm 2001 TP Đà Nẵng đã có chủ trương dừng hoạt động nuôi cá lồng bè tự phát nhưng sau hàng chục năm, chủ trương này chưa thể thực hiện triệt để do các nguyên nhân khách quan, trong đó có quy hoạch và sinh kế mới cho hơn 400 hộ dân.

Bình Nguyên