Dân kêu trời vì bãi thải than gây ô nhiễm
Những ngày qua, người dân sinh sống gần bãi thải của mỏ than Nông Sơn, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam liên tục phản ánh tới Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thương, xã Quế Trung cho hay, việc khai thác than ở mỏ than Nông Sơn mấy chục năm qua hình thành nên bãi thải này, càng ngày càng gây ra ô nhiễm môi trường. “Một tháng gần đây, khói lưu huỳnh bốc lên nghi ngút giống như đi đốt rác, đốt rẫy vậy. Nhưng nó bốc mùi thối không ai chịu nổi. Trong khi đó, nhà tôi cách bãi thải này chỉ vài trăm mét. Tôi rất lo vì mình đang mang thai, lại có con nhỏ nên sợ ảnh hưởng đến sức khỏe”, chị Thương than thở.
Theo chị Thương, dù gia đình chị đã đóng 2 lớp cửa kính, nhưng mùi hôi thối vẫn không giảm, nên gia đình chị phải mở cửa bật máy quạt thổi ra ngoài liên tục.
Trước sự việc này người dân sinh sống ở khu vực đã đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo của nhà máy, nhưng chỉ nhận được lời hứa hẹn, giải thích không thỏa đáng.
Anh Lê Phước Nhật phản ánh: “Nhà tôi cách khá xa bãi thải mỏ than Nông Sơn, nhưng đến 17 giờ hàng ngày là phải đóng kín hết các cửa, thế mà vẫn bị mùi hôi. Trẻ con dính phải nước mưa mang bụi này đều nổi mẩn đỏ, ngứa khắp cơ thể. Rất mong các ngành, địa phương vào cuộc xử lý để người dân yên tâm sinh sống. Được biết khí cháy từ lưu huỳnh này rất độc, gây bệnh tật khi hít vào người, chúng tôi rất lo lắng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án cải tạo mỏ than Nông Sơn có diện tích 54,7 ha, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2308/QĐ-BTNMT ngày 8/2/2010 và phê duyệt Dự án, cải tạo phục hồi môi trường tại Quyết định số 33/QĐ-BTNMT ngày 12/12/2013.
Theo Báo cáo của Công ty CP than- điện Nông Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2021, do điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác thường so với những năm qua, kết hợp lượng mưa lớn cung cấp độ ẩm thích hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự cháy nội sinh tự nhiên các loại đất đá vách đã đổ thải ở bãi thải của Mỏ than Nông Sơn. Như ngày 28/5 tự cháy nội sinh tự nhiên 1 điểm tại bãi thải phía Bắc đã được công ty kịp thời xử lý; Ngày 15/6 phát sinh tự cháy nội sinh tự nhiên tại vị trí số 1, có 3 điểm cháy với diện tích khoảng 1.080m2 và vị trí số 2 có 3 điểm cháy diện tích khoảng 1.260m2. Ngay sau khi phát hiện sự cố cháy, công ty đã tiến hành dập cháy.
Ông Đặng Quốc Long, Giám đốc Công ty CP Than- Điện Nông Sơn cho rằng: “Do thời tiết nắng nóng, bãi thải tự nhiên bốc cháy tại một số điểm, chứ không phải do tác động của người đốt cháy. Công ty đã điều động phương tiện, máy móc xử lý cháy. Ở các vị trí thuận lợi có thể bơm nước để dập trực tiếp. Ở các vị trí không có nước thì công ty tiến hành dùng các vật liệu đất sét tro và vôi để đổ phủ lấp kín bề mặt”.
Ông Nguyễn Chí Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan đến khu vực bãi thải mỏ than Nông Sơn kiểm tra.
“Chúng tôi đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra tình trạng hoạt động của nhà máy có đúng theo quy định hay không, UBND huyện cũng giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng công an huyện thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế tại bãi thải, hoạt động của nhà máy nhiệt điện để xử lý kịp thời”, ông Tùng nói.
Liên quan vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty CP than- điện Nông Sơn- TKV phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi hôi tại khu vực xảy ra sự cố cháy, tăng cường tự kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các vị trí cháy hoặc có phát sinh hiện tượng cháy; đồng thời thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước về bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy.
“Chúng tôi đã cho xây dựng phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố cháy tại mỏ than Nông Sơn, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, đánh giá cụ thể, nhất là các công trình bảo vệ môi trường của dự án”, ông Bửu nói.
Không biết việc ô nhiễm của bãi thải nói trên đến khi nào mới xử lý dứt điểm, trong khi đó những người dân sinh sống nơi đây hàng ngày phải gánh chịu mùi hôi thối, khói bụi độc hại, chỉ biết kêu trời.