Tin giả, tin xấu độc bủa vây người dùng mạng xã hội
Tính đến tháng 1/2021, con số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là 72 triệu người, trong đó chủ yếu là người dùng Facebook. Mỗi ngày, với hơn 1 tỷ nội dung được đẩy lên mạng xã hội, trong đó tràn lan tin giả, tin xấu, độc, không được kiểm chứng, nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân.
Loạn thông tin trên mạng xã hội
Không thể phủ nhận phát triển mạnh mẽ mạng xã hội ở Việt Nam đã và đang đi đôi với hệ quả là lượng thông tin không được kiểm duyệt, thông tin sai sự thật,.. xuất hiện ngày càng nhiều. Hai năm trở lại đây, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, việc các thông tin giả, tin sai lại càng là nỗi ám ảnh đối với người dân.
Rất nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để bịa đặt thông tin, đăng tải thông tin sai sự thật gây tâm lí hoang mang, lo sợ trong dư luận chỉ với mục đích câu like, câu view…
Mới đây, ngày 12/7, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H.M.G. (xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân) 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.
Trước đó, ông G. đã cung cấp phiếu kết quả xét nghiệm sai với phiếu kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - MeDic Cần Thơ; bịa đặt nội dung: cách ly Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, phong tỏa toàn tỉnh Cà Mau…
Chỉ trong 3 ngày 12, 13 và 14/5/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản Facebook có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, ngày 10/5, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Văn Duy (39 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), do có hành vi "cung cấp thông tin sai sự thật” - thông tin “Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa” kèm theo một video về trải nghiệm đường phố Hà Nội ngày 4/5/2021.
Trước đó, tháng 2/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp có hành vi đăng thông tin sai sự thật về tình hình Covid-19, tổng số tiền lên đến 30 triệu đồng; đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Gần đây, các câu chuyện livestream, liên tục đăng đàn "bóc phốt" ồn ào trong giới nghệ sĩ gần đây cũng mang đến rất nhiều nguồn thông tin nhiễu loạn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng mạng xã hội...
Mới đây nhất, một nữ MC – Nhà báo cũng đã bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đề nghị xử lí vì phát ngôn kích động trên mạng xã hội liên quan đến việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP HCM, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Không chỉ vậy, nhiều website, trang cá nhân trên Facebook còn mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước để sử dụng vào mục đích xấu, gây hiểu lầm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hướng tới lòng tin của người dân với luật pháp, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện nay có đến gần 130 trang web thông tin hoạt động của lãnh đạo có tên miền quốc tế như; .org, .net, .com. Những trang này có giao diện khá giống nhau; ngoài cập nhật liên tục thông tin về hoạt động của các vị lãnh đạo, còn nhiều bài viết khác liên quan đến các vấn đề mà dư luận quan tâm. Bộ TT&TT khẳng định, tất cả các trang này đều là giả mạo.
Không gian ảo - hậu quả thật
Cho dù mục đích chỉ là câu view, câu like trên mạng ảo thì thực tế, ảnh hưởng của những tin giả, tin xấu độc đối với người dùng mạng xã hội là rất lớn. Các cơ quan chức năng đã không ít lần tiến hành xử phạt các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, đồng thời khuyến cáo người dân nên tỉnh táo trước những thông tin này.
Vụ việc quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) tử vong trong quá trình huấn luyện trên thao trường thuộc tỉnh Thái Nguyên cũng là một ví dụ điển hình. Kể từ khi vụ việc được đăng tải, rất nhiều thông tin xấu độc, có tính chất quy chụp xuất hiện tràn lan trên khắp các mạng xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân. Đồng thời, các thế lực thù địch lợi dụng câu chuyện này để dựng các trang tin giả, tài khoản giả kích động, chống phá Đảng và Nhà nước.
Hiện nay vấn nạn tin giả, tin xấu, độc đã cần phải nhìn nhận toàn diện và đúng đắn hơn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân của những tin tức giả, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Tại Điều 8 và 9 Luật An ninh mạng đã nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng.
Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định đã có, tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn người dùng Facebook tại Việt Nam không nắm được quy định pháp luật này.
Luật định đã rõ, tuy nhiên sự thiếu hiểu biết, cả tin lẫn trình độ của người dùng cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến tin giả có thể được lan truyền một cách chóng mặt trên môi trường mạng xã hội.
Các chế tài, quy định của nhà nước sẽ là không đủ nếu chính người dân không tự nâng cao nhận thức của mình, tỉnh táo trước cách thức tiếp nhận thông tin hiện nay.