Cảnh báo những thủ đoạn mạo danh công ty tài chính để lừa đảo
Trong muôn vàn cách thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng mà Báo Đại Đoàn Kết đã điểm mặt trong bài viết Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tình trạng mạo danh công ty tài chính, lừa đảo trực tuyến đang nổi lên như một hiện tượng phổ biến móc túi người dân, để lại những hậu quả khôn lường.
Lấy danh nghĩa công ty tài chính để lừa đảo
Liên tục trong thời gian dài, chị N.M.T. (Hoàn Kiếm – Hà Nội) thường xuyên nhận được những tin nhắn từ các số máy lạ với mục đích chào mời tham gia các chương trình vay vốn. Các tin nhắn đều đính kèm link truy cập vào trang web lạ hoặc hướng dẫn cài đặt một ứng dụng gần giống với các ứng dụng ngân hàng .
"Ngay sau khi click vào link, một số điện thoại gọi đến và thông báo đã kích hoạt lại mật khẩu trên ứng dụng thành công rồi yêu cầu tôi cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để hoàn tất quá trình. Không nghi ngờ gì nên tôi đã cung cấp các thông tin này cho đối tượng. Ngay sau đó, tôi mới bàng hoàng phát hiện tất cả số tiền trong tài khoản của mình đã bị chuyển đến một tài khoản khác, tổng số tiền là khoảng 15 triệu đồng” - chị T. cho biết.
Cùng thủ đoạn tương tự, chị H.T.N. (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết mình cũng đã bị lừa đảo số tiền lên đến 50 triệu đồng. Sau khi nhận được một cuộc gọi của đối tượng mạo dạnh nhân viên tài chính, yêu cầu chị xác nhận một vài thông tin để nhận lại khoản tiền đã chuyển khoản nhầm. Chị N đã nghe dạ tin theo đối tượng này: truy cập vào đường link được gửi qua tin nhắn từ đối tượng mạo danh, đăng nhập tài khoản. Đến khi đọc mã OTP và số tiền 50 triệu đồng trong tài khoản đột nhiên “không cánh mà bay”, chị N mới tá hỏa đi báo cơ quan công an.
Trước đó, nhiều người cũng đã phản ánh việc xuất hiện tình trạng một số đối tượng đã mạo danh công ty tài chính, mời khách hàng vay vốn với thủ đoạn hết sức tinh vi. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản rồi chiếm đoạt.
Để tiến hành thủ đoạn lừa đảo, các đối tượng sẽ gọi điện tới người dân mời vay tiền và hướng dẫn cài đặt một ứng dụng có tên “Auto Cash” để giải ngân nhanh. Ngay sau đó, một tài khoản Zalo có tên “Phê duyệt PTF" sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng.
Đến khi đã cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân... khách hàng sẽ được ứng dụng Auto Cash cho vay một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo.
Tuy nhiên, chiêu trò lừa đảo ở đây là, để nhận được số tiền “vay ảo” trên phải có một mật khẩu xác nhận. Muốn có mật khẩu này, người dân phải phải tạm ứng trước và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc, đối tượng lừa đảo lập tức cắt liên lạc, “cao chạy xa bay”, khách hàng chỉ biết “kêu trời”.
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Tài chính Bưu điện PTF - một đơn vị bị các đối tượng mạo danh - khẳng định: Đây là hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến thương hiệu của đơn vị.
Công ty này đưa ra khuyến cáo rằng không áp dụng đăng ký khoản vay, giải ngân và yêu cầu đặt cọc, tạm ứng... qua ứng dụng Auto Cash cũng như bất kỳ ứng dụng online nào khác.
"Người dân nên cẩn trọng trong các giao dịch chuyển tiền, đặc biệt với các ứng dụng vay trực tuyến với điều kiện quá dễ dàng. Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo" - đại diện công ty tài chính khuyến cáo.
Cẩn trọng với những thủ đoạn hết sức tinh vi
Hiện nay, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua các app tín dụng, kiếm tiền online…đã không còn quá xa lạ. Đặc biệt lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các đối tượng càng được sức lộng hành.
Thống kê từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tính đến tháng 6/2021, Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục đã nhận được hàng trăm cuộc gọi tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những vụ việc liên quan đến các chương trình trúng thưởng của các doanh nghiệp, các kênh quảng cáo trên truyền hình hoặc nhận được những tin nhắn trúng thưởng qua messenger của Facebook…
Mới đây, Công an TP HCM cũng phát đi cảnh báo về tình trạng một số đối tượng hoạt động tín dụng đen online; chiếm đoạt tài khoản Facebook thông qua dịch vụ cho thuê sim trực tuyến đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, gây mất ổn định an ninh trật tự.
Cuối tháng 6 vừa qua, Công an TP Hà Nội cũng cảnh báo về "app giật đơn" (quay số để mở đơn hàng) lừa đảo. Một số ứng dụng có hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động dưới hình thức phát hành điểm thưởng cho người chơi và hứa hẹn có thể rút được tiền mặt. Các app như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888,... lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử nhưng thực chất không liên kết với sàn giao dịch nào và hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng. Nhóm lừa đảo liên tục đăng bài viết quảng cáo lên các trang mạng xã hội, trả lãi ban đầu nếu mời được thêm người chơi mới.
Người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người tham gia và "giật" đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng trên tổng số tiền đầu tư. Tiền kiếm được của người dùng sẽ tỉ lệ thuận với giá trị các gói đầu tư của họ. Người chơi có thể rút thành công tiền mặt trong những lần đầu, sau đó hệ thống đưa ra các quy tắc mới hoặc yêu cầu nạp thêm tiền. Khi đã kiếm được số tiền lớn, nhóm lừa đảo không cho người chơi rút tiền đã đầu tư.
Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác.
Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP ngân hàng,...cho bất kỳ người lạ nào gọi/ nhắn tin đến. Cơ quan Công an khẳng định không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, kể cả là đang trong quá trình điều tra. Do đó, người dân không cung cấp thông tin này cho bất cứ ai.
Trong trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết, tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang".