Thành phố Hồ Chí Minh: Dịch bệnh phức tạp, sinh hoạt khó khăn

ĐOÀN XÁ-LÊ ANH-THANH GIANG 14/07/2021 06:30

Sau 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 13/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận tại nhiều khu, điểm dân cư, người dân sinh hoạt khó khăn, nhất là nguồn thực phẩm tươi và rau xanh. Kèm theo đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khi vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Thực phẩm tươi sống và rau xanh luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Khan hiếm thực phẩm tươi sống

Ngày 13/7, ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Thủ Đức, một số quận Bình Thạnh, Tân Phú, quận 12… đều khan hiếm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhất là rau xanh.

Bà Lã Thị Thoa (57 tuổi, ngụ chung cư Petroland, Thủ Đức) tranh thủ buổi sáng sớm để xuống siêu thị Co.op Food bên dưới chung cư mua đồ ăn cho cả ngày. Tuy nhiên, theo bà Thoa, mặt hàng rau xanh luôn “cháy hàng”.

“Các chợ đầu mối hiện nay đã tạm đóng cửa, nguồn hàng chuyển về các siêu thị Co.op Food rất hạn chế. Đã gần một tuần nay, gia đình chúng tôi buộc phải mua thêm rau xanh ở các vườn rau của dân quanh khu vực để bổ sung dinh dưỡng cho mọi người”, bà Thoa cho biết.

Anh Trương Quân (37 tuổi), một cư dân ở đây cũng cho biết, mấy ngày nay dù anh đã di chuyển qua cửa hàng Co.opFood (đường Nguyễn Duy Trinh) và Bách Hóa Xanh (đường Đỗ Xuân Hợp) vẫn khó mua được thực phẩm tươi sống, nhất là mặt hàng rau xanh. Anh Quân tâm tư: “Giãn cách xã hội buộc người dân phải gồng gánh, vượt qua khó khăn. Chúng tôi mong dịch sẽ sớm được ngăn chặn để cuộc sống trở lại bình thường”.

Bà Lê Thị Hòa, một người dân tại phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức than thở: “Sáng nay, tôi phải đi vài điểm mới mua được thịt heo và rau xanh. Riêng mặt hàng cá biển thì “bặt vô âm tín”. Giá cả có phần ổn định nhưng vẫn khan hiếm rau xanh”.

Ghi nhận của phóng viên, nhiều chợ trên địa bàn thành phố Thủ Đức đóng cửa để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, người dân chỉ có thể đi chợ ở các cửa hàng tiện ích hoặc siêu thị. Tuy nhiên, những ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 16, đặc biệt sau khi các chợ đầu mối đóng cửa, việc đi mua thực phẩm trở nên khó khăn hơn.

Đại diện các cửa hàng tiện lợi cho hay, những ngày này sức mua tại các cửa hàng tăng cao chóng mặt. Thực phẩm tươi sống và rau củ quả mới đưa lên quầy, kệ trong khoảng thời gian ngắn đã trống trơn. Rất nhiều khách đến mua rồi lại thất vọng ra về đợi có hàng mới.

Bà Phạm Minh Hạnh, nhân viên cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, Thủ Đức) cho biết: “Hàng vừa cho lên kệ, quay đi quay lại hết cái vèo. Tôi đã liên lạc để cung cấp nhưng vẫn chưa có. Hiện nay mặt hàng được tìm mua nhiều vẫn là thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau củ quả”.

Nhiều doanh nghiệp bố trí công nhân ăn, ngủ tại công ty.

Xem xét mở cửa một phần chợ đầu mối

Thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op), dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ nhưng nhà bán lẻ này quyết tâm không tăng giá để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân. Thực tế giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên, lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và người dân có nhu cầu cao, tại các siêu thị của Saigon Co.op bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số cá nhân gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán giá gấp đôi, gấp ba. Vì thế, siêu thị phải dán bảng hạn chế mua nhiều.

Ca nhiễm trong khu vực sản xuất diễn biến phức tạp

Ngày 13/7, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM có văn bản đề nghị các doanh nghiệp gửi phương án vừa cách ly, vừa tổ chức sản xuất để thẩm định. Tính đến nay, đã có hơn 700 ca nhiễm Covid-19 xâm nhập vào các doanh nghiệp bên trong Khu Công nghệ cao, nhiều nhất là Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (hiện đã dừng hoạt động). Trước đó, tình hình dịch bệnh tại Khu chế xuất Tân Thuận cũng diễn biến phức tạp, khi phát hiện 275 ca mắc Covid-19 qua test nhanh. Riêng khu chế xuất này có khoảng 40.000 công nhân, sau đó UBND quận 7 đã phải thiết lập cách ly y tế vùng có dịch với Khu chế xuất Tân Thuận từ ngày 13/7.

Đề cập đến nguồn hàng thiết yếu cho thị trường trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, về tổng thể ngành công thương thành phố luôn đảm bảo nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân.

Tuy nhiên, các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư đa số bán sản phẩm tiêu dùng, ít sản phẩm tươi sống, không có kho dự trữ, quầy kệ không được bổ sung thêm khi hết hàng. Khi mua sắm nhiều chắc chắn nhanh chóng trống hàng, thiếu hàng. Sở Công thương cũng đã chỉ đạo các cửa hàng này tăng cường thực phẩm tươi sống, phục vụ cho người dân.

Đại diện Sở Công thương khẳng định, trong 1-2 ngày tới, Sở sẽ xem xét cho mở cửa trở lại một phần tại chợ đầu mối Thủ Đức trên cơ sở đánh giá các điều kiện phòng, chống dịch tại các chợ này. Chợ đầu mối Hóc Môn, Sở đã nhận được phương án của ban quản lý chợ nhưng chưa được thống nhất hoàn toàn vì còn chờ UBND huyện Hóc Môn phê duyệt. Riêng chợ đầu mối Bình Điền do nằm trong khu phong tỏa nên chưa thể mở cửa trở lại.

“Dù các chợ đầu mối đóng cửa, song các thương nhân vẫn tiến hành nhận hàng từ các tỉnh và phân phối cho các kênh khách hàng quen thông qua điện thoại. Thương nhân thực hiện nhận hàng qua chành vựa của gia đình, thuê kho để tập kết hàng từ các tỉnh, sau đó phân phối thông qua các xe tải nhỏ, xe chuyên dùng có kích thước nhỏ để bán cho các chợ truyền thống và các điểm mua bán”, ông Phương thông tin thêm.

Doanh nghiệp kêu khó

Hiện các khu công nghiệp tại nhiều tỉnh thành phía Nam như TP HCM, Long An, Tiền Giang... vẫn thực hiện vừa sản xuất, vừa chống dịch. Chính quyền đề ra các tiêu chí cần thiết, chủ yếu là việc hạn chế di chuyển của các công nhân, từ đó doanh nghiệp (DN) phải lo ăn ngủ cho toàn bộ công nhân. Nhiều DN cho biết cảm thấy gặp khó khăn khi đảm bảo song song 2 tiêu chí trên. Ngoài việc chi phí sản xuất bị đẩy lên, nhiều công nhân đã xin nghỉ làm thay vì duy trì điều kiện lao động nhiều ngày ăn, ngủ, làm việc trong công ty.

Ông Nguyễn Văn H. (xin giấu tên) chủ một DN sản xuất quần áo ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết “Khoảng tháng 5, tháng 6 năm nào công ty tôi cũng có đơn hàng cao vọt so với thời gian khác bởi đây là lúc hàng triệu học sinh bắt đầu năm học mới. Thế nhưng do xuất hiện dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM lan rộng ra nhiều quận, huyện khiến thành phố bắt đầu thực hiện việc giãn cách nên việc sản xuất gặp khó khăn”.

Trong khi đó, đối với công nhân cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt những công nhân sinh sống ở TP HCM nhưng làm việc tại tỉnh, thành khác và ngược lại. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng Long An đã có gần 40.000 công nhân hàng ngày tới địa bàn TP HCM làm việc trong các công ty, nhà máy, khu công nghiệp chưa kể lao động tự do. Ở chiều ngược lại, có 20.000 công nhân từ TP HCM qua địa phận Long An làm việc mỗi ngày. Sau khi có các quy định về kiểm soát việc đi lại, hàng chục ngàn công nhân này gặp khó khăn trong di chuyển.

Chị Trần Thị Thủy, 26 tuổi ngụ ở xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa, Long An) cho biết, chị làm trong một công ty ở quận Bình Tân. “Hàng ngày có xe công ty đưa đón từ sớm nhưng thời điểm có dịch, công ty bắt ăn, ngủ tại nơi làm việc nên mình xin nghỉ vì nhà có con nhỏ. Thấy dịch chưa biết khi nào mới hết, cứ ở mãi trong đó thì con ai chăm. Ngày mình đi làm, tối về còn được chứ ở miết cả tháng thì biết làm sao. Thôi tạm nghỉ việc, hết dịch tính tiếp”, chị Thủy chia sẻ.

Tình trạng công nhân xin tạm nghỉ việc vì các quy định thắt chặt kiểm soát đi lại ở khu vực phía Nam đang diễn ra khá phổ, khiến không ít DN gặp khó về nguồn nhân lực, thậm chí ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất chung, đẩy giá nhân công lên cao hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay TP HCM chưa có quy định cụ thể về việc cho phép các công ty duy trì sản xuất bằng cách cho công nhân lưu trú ngay tại nhà máy. Tuy nhiên, một số DN đã chủ động sử dụng các lều, bạt cá nhân loại có kích cỡ khoảng 1,5x1,2 mét để công nhân ngủ tại nơi làm việc. Đây là loại lều bạt sản xuất cho việc đi du lịch, khá kín đáo vào tiện lợi. Về việc ăn uống, hầu hết DN đều duy trì đặt bữa ăn của đối tác. Ngoài ra, nhiều DN cũng buộc các công nhân cam kết sẽ ở lại sản xuất trong thời gian thực hiện quy định phòng, chống dịch, không đơn phương bỏ việc giữa chừng.

Dự kiến thí điểm cách ly F0 tại nhà

Ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ chủ trương sớm ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà ở TP HCM. Theo dự kiến, F0 sau khi được bệnh viện điều trị 10-14 ngày mà không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà. Ban đầu sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe. Nhóm này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai thời gian qua.

ĐOÀN XÁ-LÊ ANH-THANH GIANG