Doanh nghiệp dệt may đối diện với những khó khăn mới
Đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Dệt may (Vinatex), ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới. “Trụ đỡ cầu tăng đã làm cho lưu lượng giao dịch hàng hoá dệt may tăng cao, đem lại nguồn đơn hàng dài, số lượng lớn cho phần lớn doanh nghiệp (DN) sau 1 năm thiếu hụt nặng nề”, ông Trường nói.
Số liệu thống kê cho biết, sau 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với 2020, đặc biệt đã vượt qua cả con số của cùng kỳ 2019, chứng tỏ một sự phục hồi khá sớm so với dự báo phải hết 2021 mới quay lại ngưỡng 2019, thậm chí đến quý 3/2022.
Theo Chủ tịch Vinatex, sự phục hồi này ngoài yếu tố cầu, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, DN không thể hoạt động, trong khi ở Việt Nam đến hết tháng 4, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, DN có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất.
Bên cạnh việc các DN ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành Sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, ngành sợi có nhiều khởi sắc khi cầu và cả giá bán tăng cao.
Tuy nhiên Chủ tịch Vinatex cũng chỉ ra những khó khăn đang còn ở phía trước, nhất là khi đại dịch đổ vào điểm trọng tâm là những khu công nghiệp lớn - nơi “đóng chốt” của nhiều DN dệt may nước nhà với số công nhân lớn.
Mô hình kinh doanh sau một năm dịch bệnh đã có sự linh hoạt cao hơn, chủ động hơn nhưng phần lớn vẫn gói gọn trong mô thức cũ, khách hàng cũ, phương thức tiếp cận chưa đổi mới căn bản. “Đáng lo ngại, đợt dịch bùng phát lần này gây nhiều khó khăn phức tạp hơn cho ngành may mặc khi các DN đều đang có hợp đồng đến hết tháng 9 và một phần đến tháng 12, cam kết giao hàng và thực hiện trách nhiệm của hợp đồng kinh tế cũng là rủi ro rất lớn với từng DN”, ông Trường chia sẻ.
Riêng với các DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sau nửa đầu năm 2021 khả quan, các DN lại bắt đầu đối diện với những khó khăn mới như việc các DN trọng yếu Phong Phú, Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, Hữu Nghị nằm trong vùng có dịch bệnh với nguy cơ cao, phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp. Mặc dù cơ hội thị trường tốt song đại diện Vinatex bày tỏ quan ngại, nếu không đảm bảo tiến độ vì dịch bệnh ngăn cản tổ chức sản xuất thì có nguy cơ hệ luỵ về kinh tế.