Haiti ngày một rối ren
Vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hôm 7/7 đang đẩy đất nước Haiti vào hỗn loạn, khi mà bạo lực giữa các băng đảng gia tăng khiến xã hội chia rẽ, đời sống người dân thêm phần khó khăn hơn.
Bạo lực trỗi dậy
Sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise, Haiti không chỉ mất đi nguyên thủ, mà vị trí lãnh đạo danh chính ngôn thuận đang bị giằng co giữa Chính phủ và Quốc hội. Năng lực của cảnh sát quốc gia trong diện báo động.
Bên cạnh đó, việc điều tra về vụ ám sát Tổng thống Moise cũng có nhiều diễn biến bất ngờ. Theo nguồn tin của chính quyền Haiti, một nhóm gồm 26 người Colombia và 2 người Mỹ gốc Haiti hiện là nghi can gây ra vụ ám sát Tổng thống Moise.
Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài 3 nghi phạm bị tiêu diệt, đã có 21/28 người liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Haiti đã bị bắt giữ; trong đó bao gồm một nghi phạm được coi là chủ mưu vụ ám sát, có tên là Christian Emmanuel Sanon, người đàn ông Haiti 63 tuổi, làm việc trên danh nghĩa bác sĩ sống tại bang Florida (Mỹ).
Trong quá trình điều tra xét hỏi được tiến hành tuần này, ông Dimitri Herard, người phụ trách nhóm bảo vệ an ninh cho Tổng thống Haiti, sẽ phải giải trình về nhiều chuyến công tác thường xuyên của ông tới Ecuador có quá cảnh ở thủ đô Bogota của Colombia.
Được biết, cảnh sát Haiti đã tiêu diệt 3 đối tượng, bắt giữ 17 đối tượng khác và đang truy bắt 8 đối tượng còn lại. Cảnh sát Colombia cũng xác nhận một số tay súng của nước này đã tới Haiti từ quốc gia láng giềng Cộng hòa Dominica và ở lại đó một tháng trước khi ra tay hành động.
Trong khi đó, việc các nhóm vũ trang ngoài vòng pháp luật trên hòn đảo tăng cường hoạt động với tốc độ chóng mặt trong vài năm qua cũng đã khiến bạo lực băng nhóm liên quan đến tranh giành lãnh địa và cướp bóc lương thực gia tăng, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Hàng nghìn người đã phải rời bỏ quê hương tìm lối thoát.
Tình trạng bạo lực băng đảng chủ yếu tập trung ở thủ đô Port-au-Prince, nhưng vẫn ảnh hưởng đến đời sống xã hội khắp đất nước. Nền kinh tế quốc gia vốn đã mong manh lại rơi vào tình trạng tê liệt. Trường học phải đóng cửa. Bộ máy an ninh không ứng phó nổi sức ép. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới đầu năm nay còn tạm ngưng hoạt động ở Haiti vì các vụ tấn công, khiến nỗ lực khống chế dịch Covid-19 bị gián đoạn.
“Đất nước thay hình đổi dạng thành một sa mạc khổng lồ. Chúng tôi bị bao vây bởi lũ thú dữ. Chúng tôi là những người tị nạn, những kẻ bị lưu đày trên chính quê hương mình” - Hội nghị Các tôn giáo Haiti gửi thông điệp cầu cứu đến cộng đồng quốc tế.
Gần một nửa Thủ đô Port-au-Prince đang nằm dưới sự kiểm soát của hơn 30 băng đảng tội phạm. Tuần qua, sau cái chết của Tổng thống Jovenel Moise, một trong những tay trùm khét tiếng nhất vùng đã phát đi tín hiệu khiêu chiến.
Kêu gọi hỗ trợ quốc tế
Trước những nguy cơ mất an ninh và lo ngại lực lượng lính đánh thuê có thể sẽ phá hủy các cơ sở hạ tầng, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph đã cầu cứu Mỹ và Liên hợp quốc chi viện bảo vệ hạ tầng quốc gia, ổn định trật tự.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi phái đoàn gồm các quan chức tình báo và an ninh Mỹ tới Haiti nhằm đánh giá tình hình sau vụ ám sát Tổng thống Moise. Ngày 12/7, Nhà Trắng thông báo, các quan chức an ninh và thực thi pháp luật Mỹ đã tới Haiti và có cuộc gặp với giới chức lãnh đạo và cảnh sát nước này đề nghị hỗ trợ điều tra vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Emily Horne cho biết, phái đoàn đã xem xét hệ thống hạ tầng an ninh với các quan chức Chính phủ Haiti cũng như gặp cơ quan cảnh sát quốc gia Haiti, đơn vị đang tiến hành cuộc điều tra về vụ ám sát Tổng thống Moise.
Các quan chức an ninh Mỹ cũng đã gặp các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Haiti, bao gồm Thủ tướng lâm thời Claude Joseph và Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert, kêu gọi mở cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm đạt được thỏa thuận chính trị cho phép đất nước tổ chức bầu cử tự do và công bằng.
Từ Washington, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony cũng lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo Haiti đoàn kết, có một tầm nhìn toàn diện và an toàn hơn, hướng tới việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong năm nay để tập hợp một đất nước “với một tầm nhìn an ninh, hòa bình và toàn diện hơn, mở đường hướng tới các cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
“Chúng tôi đang theo dõi sát những diễn biến ở Haiti sau vụ ám sát tổng thống kinh hoàng vừa diễn ra. Người dân Haiti xứng đáng nhận được hòa bình và an ninh. Giới lãnh đạo Haiti cần xích lại gần nhau vì lợi ích của đất nước” - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki và người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, hiện Mỹ cũng đang xem xét yêu cầu gửi quân đội tới Haiti của Thủ tướng lâm thời Claude Joseph, để giúp đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như hỗ trợ công tác tổ chức các cuộc bầu cử vào ngày 26/9 tới.
Cùng ngày, người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết, Văn phòng hợp nhất LHQ tại Haiti hiện đang phối hợp với cảnh sát nước này điều tra vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise.
Khi được hỏi liệu LHQ có định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Haiti trong thời gian này hay không, người phát ngôn của LHQ cho biết, đó là trách nhiệm của Hội đồng Bảo an.