TP HCM sẽ hoàn thành hỗ trợ cho lao động tự do trong ngày 15/7
Ngày 14/7, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Chia sẻ về việc triển khai gói hỗ trợ, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP HCM, cho biết HĐND Thành phố ngày 25/6 đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do.
Đến ngày 13/7, đã có 46% lao động tự do được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày, từ 31/5 đến 29/6. TP HCM cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố phải phong tỏa để chống dịch vẫn với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày. “Thành phố sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong gói hỗ trợ theo nghị quyết 68 ngay trong tháng 7 này", ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, giám đốc Sở LĐTB-XH Hà Nội Bạch Liên Hương thông tin, hiện nay Sở LĐTB-XH Hà Nội đã hoàn thiện dự thảo lần 1 đang xin ý kiến các sở ngành góp ý để hoàn thiện quyết định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để trình UBND TP ban hành. Và quyết tâm trong tháng 7 sẽ hoàn thiện quy trình kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng theo đúng tinh thần của Bộ trưởng chỉ đạo với các yêu cầu.
Trước báo cáo của các địa phương về việc triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã ghi nhận và đánh giá cao khi TP HCM rất cố gắng và có những bước vào cuộc, triển khai hỗ trợ rất nhanh cho người lao động, doanh nghiệp.
Trong khi nhiều địa phương chưa triển khai Quyết định 23 của Thủ tướng thì TP HCM đã hoàn thành thực hiện chi trả hỗ trợ cho gần 50% lao động tự do, và cam kết trong ngày 15/7 sẽ chi trả hỗ trợ cho toàn bộ 230.000 lao động tự do, hoàn thành công tác hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ trong tháng 7.
“Nhiều tỉnh, thành còn ban hành ngay quyết định triển khai trong đêm. BHXH VN, Ngân hàng chính sách xã hội triển khai nhanh sau vài ngày từ khi có Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên vẫn có những địa phương bây giờ vẫn trong quá trình xin ý kiến thì không biết đến bao giờ mới triển khai được. Trong khi đó hàng nghìn thậm chí hàng triệu người lao động, người dân đang ngóng từng ngày gói hỗ trợ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Không giấu được vẻ lo lắng, người đứng đầu ngành LĐTB-XH cho biết, chưa bao giờ công ăn, việc làm lại là gánh nặng cực lớn như lúc này. Tỷ lệ rút BHXH một lần, tỷ lệ xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng. Nếu chúng ta không triển khai nhanh, hỗ trợ kịp thời thì không chỉ khiến cuộc sống người lao động, người dân thêm khốn khó mà vô tình đẩy nhiều người vào con đường phạm tội. Vì thế cần phải cắt giảm những thủ tục không cần thiết, nhanh chóng đưa tiền cứu trợ cho người lao động, người dân. Đừng để xảy ra tình trạng hết dịch vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với những biến chủng virus mới đã bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4 đến nay tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động với trên 9.450 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố.
Đã có khoảng 6 vạn F1, 16 vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; gần 500 ngàn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày. Chính vì vậy, việc triển khai nhanh chính sách hỗ trợ là giải pháp cấp thiết lúc này để hỗ trợ người lao động cũng như doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19.